(VOV5) -Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cần thấy rõ vị trí quan trọng của tỉnh đối với sự phát triển vùng ĐBSCL để đưa tỉnh nhà tiến lên.
Chiều 9/8, ngay sau hội nghị xúc tiến đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cùng lãnh đạo một số bộ, ngành làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Tiền Giang.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc |
Thủ tướng đánh giá cao kinh tế của tỉnh chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp-xây dựng với mức tăng trưởng ngành cao; tốc độ tăng trưởng kinh tế cao thứ hai vùng đồng bằng Sông Cửu Long, chỉ sau Long An, với mức tăng bình quân hai năm qua là 8%; xã hội ổn định. Quy mô nền kinh tế Long An hiện đã chiếm 9,2% GRDP toàn vùng và 1,5% GDP cả nước.
Từ kết quả đó, Thủ tướng cho rằng, Tiền Giang hiện nay không chỉ là một cực tăng trưởng quan trọng của vùng đồng bằng Sông Cửu Long mà còn là một cực tăng trưởng kinh tế của cả nước: Tôi nghĩ rằng đồng bằng Sông Cửu Long thời gian tới phụ thuộc vào một trong số những động lực tăng trưởng là tỉnh Tiền Giang. Tiền Giang, Long An, Cần Thơ, Kiên Giang là những tỉnh có điều kiện phát triển trước một bước trong 13 tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long. Các đồng chí phải thấy vị trí của mình như vậy để chúng ta đoàn kết, quyết tâm, đưa tỉnh nhà tiến lên. Phải có quyết tâm cao như vậy thì chúng ta mới có thể chỉ đạo, biện pháp sát thực.
Thủ tướng lưu ý khu vực nông, lâm, ngư nghiệp vẫn giữ vai trò trụ đỡ cho kinh tế của tỉnh. Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với tái cơ cấu thời gian qua đã đạt kết quả tích cực, nhưng cần phấn đấu tốt hơn, trong đó phấn đấu đạt kết quả cao hơn con số 100/144 xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt được hiện nay. Đặc biệt là phải đảm bảo nông thôn mới là thực chất, nâng cao đời sống của người dân.
Thủ tướng đánh giá cao việc phát triển doanh nghiệp và khuyến khích khởi nghiệp của tỉnh, nhờ đó số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh qua các năm. Nửa đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới ở Tiền Giang đứng thứ 4/13 tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long.
Nửa đầu năm nay, thu ngân sách của Tiền Giang đạt 62,5% dự toán năm. Thủ tướng đánh giá cao kết quả này cũng như mục tiêu tỉnh đề ra là đến năm 2020, tổng thu ngân sách của tỉnh tăng gấp đôi so với năm 2016. Cho rằng đây là nền tảng quan trọng để tự cân đối ngân sách, Thủ tướng “đặt bài toán” cho tỉnh là đến năm 2020 Tiền Giang tự cân đối được nâng sách.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại của Tiền Giang, như, dù tốc độ tăng trưởng cao nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Chất lượng tăng trưởng chưa cao, chưa bền vững và chưa đồng đều. Các khu vực và thành phần kinh tế chưa có sự gắn kết và hỗ trợ lẫn nhau. Nông nghiệp vẫn tăng trưởng với mức thấp hơn “kho vàng tiềm năng” của tỉnh cũng như cả vùng.
Bên cạnh đó, công nghiệp tăng trưởng nhanh nhưng xuất hiện một số điểm nghẽn. Vì vậy những năm tới, Thủ tướng yêu cầu tỉnh cần giải quyết tốt vấn đề quy hoạch và công tác giải phóng mặt bằng.
Nêu rõ tình trạng khiếu kiện đông người vẫn diễn ra ở Tiền Giang, cho thấy việc giải quyết các vấn đề người dân gặp phải chưa thỏa đáng, Thủ tướng yêu cầu chính quyền địa phương đối thoại và giải thích cho người dân; rà soát lại những vấn đề khiếu kiện để giải quyết kịp thời và triệt để.
Nêu lên tình trạng tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, còn diễn biến phức tạp, đặc biệt gần đây nổi lên tình trạng cho vay nặng lãi, Thủ tướng yêu cầu tỉnh chỉ đạo điều tra xử lý nghiêm tình trạng tín dụng đen trên địa bàn.
Trong thời gian tới, nhìn từ những lợi thế sẵn có, Thủ tướng yêu cầu: Tôi đề nghị nền kinh tế Tiền Giang cần phát triển trên 5 trụ cột chính. Đó là nông nghiệp ứng dụng công nghệ, trái cây sạch được định vị ở phân khúc cấp cao, thứ ba là công nghiệp chế biến nông sản, thứ tư là du lịch sinh thái và thứ 5 là nghiên cứu cảng nước sâu Xoài Rạp để làm một khu công nghiệp cảng logistic ở khu vực này cho cả khu vực.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh cần đặc biệt coi giáo dục là nhân tố quyết định cho sự phát triển bền vững của tỉnh Tiền Giang. Có chủ trương cụ thể để hòa mình vào làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Có phương án cụ thể để chống biến đổi khí hậu.
Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cho biết, tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm 2018 tăng 7,23%. Thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, tương đương 1.912 USD, bằng 82,7% của cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng phi nông nghiệp (61,5% năm 2017) và giảm tỷ trọng nông nghiệp (giảm còn 38,5%).
Tại cuộc làm việc, tỉnh nêu một số đề xuất, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo, xử lý đối với các dự án về sát lở bờ biển, sông rạch và phát triển công nghiệp phía đông của tỉnh gắn với kinh tế biển.
Sau khi làm việc với tỉnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thăm một số hộ gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.