(VOV5) - Các nước đánh giá cao những tiến triển tích cực gần đây trên Bán đảo Triều Tiên.
Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần thứ 51, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN với 3 nước đối tác là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản diễn ra sáng 4/8, đã thể hiện quyết tâm thực hiện Kế hoạch công tác ASEAN+3 giai đoạn 3 từ 2018-2022.
Các bộ trưởng cũng cam kết ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực và thúc đẩy cơ chế hợp tác ASEAN + 3 hiệu quả, thực chất. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh dẫn đần đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với Nhật Bản - Ảnh:infonet |
Các Bộ trưởng đánh giá thành tựu 20 năm hình thành cơ chế ASEAN + 3 và nhất trí cho rằng, đây là một cơ chế quan trọng, là chìa khóa thúc đẩy sự phát triển và ổn định ở khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á và toàn Châu Á Thái Bình Dương. Cơ chế ASEAN + 3 đã phát huy được những kết quả tích cực trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là trao đổi thương mại giữa ASEAN với 3 nước Đông Bắc Á trong năm 2017 đã đạt mức 807,3 tỷ đôla, chiếm 32% tổng trao đổi thương mại của ASEAN.
Trao đổi với báo chí về những diễn biến của cuộc họp bên lề Hội nghị ASEAN + 3, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cũng cho rằng, hợp tác của cơ chế ASEAN + 3 có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy thịnh vượng ở khu vực Đông Á.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với Trung Quốc- Ảnh: infonet |
Trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực, các nước đánh giá cao những tiến triển tích cực gần đây trên Bán đảo Triều Tiên, trong đó có các Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều; cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ với Lãnh đạo Triều Tiên ngày 12/6/2018, khẳng định ủng hộ hoà bình, ổn định và phi hạt nhân hoá Bán đảo Triều Tiên.
Về tình hình Biển Đông, các nước đều nhấn mạnh tầm quan trọng của hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, cho rằng đây là lợi ích chung của tất cả các nước. Các bộ trưởng yêu cầu các bên liên quan tuân thủ đầy đủ và có trách nhiệm Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC, kiềm chế, không có các hành động đơn phương làm phức tạp tình hình, không quân sự hoá và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 và thúc đẩy nhanh quá trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông COC. Các bộ trưởng cũng hoan nghênh những bước đi mới giữa ASEAN và Trung Quốc trong việc đạt được nhất trí về một dự thảo văn bản đơn nhất trong tiến trình thảo luận về COC, taọ cơ sở cho các cuộc đàm phán COC trong tương lai.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng dành nhiều thời gian trao đổi về những thách thức đang nổi lên ở khu vực, trong đó có nạn di dân bất thường, an ninh mạng, khủng bố và bạo lực cực đoan, biến đổi khí hậu…