(VOV5) - Thời gian qua, quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ được triển khai phù hợp với các khuôn khổ, các văn bản, thỏa thuận hợp tác đã ký.
Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh - Ảnh: PV/VOV-Ấn Độ |
Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đang thăm chính thức Ấn Độ từ 17/6 - 20/6 theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh. Sáng nay (19/6), tại Thủ đô New Deli, Ấn Độ, Bộ trưởng Rajnath Singh chủ trì lễ đón Bộ trưởng Phan Văn Giang. Sau lễ đón, hai bên tiến hành hội đàm.
Tại hội đàm, hai Bộ trưởng đánh giá thời gian qua, quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ được triển khai phù hợp với các khuôn khổ, các văn bản, thỏa thuận hợp tác đã ký, đạt được những kết quả thiết thực. Thời gian tới, trên cơ sở Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ đối tác quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ đến năm 2030, hai bên nhất trí tập trung thúc đẩy quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực: trao đổi đoàn các cấp; duy trì và phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có như đối thoại chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng và tham vấn sĩ quan tham mưu 3 quân chủng hải-lục-không quân, giao lưu sĩ quan trẻ; hợp tác đào tạo, quân, binh chủng, công nghiệp quốc phòng; gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc... Đồng thời, nghiên cứu thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng, như: an ninh mạng, quân y, cứu hộ cứu nạn... phù hợp với nhu cầu và khả năng đáp ứng của mỗi bên.
Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang và Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ chủ trì cuộc hội đàm song phương sáng 19/06 - Ảnh: PV/VOV-Ấn Độ |
Về hợp tác đa phương, hai bên đánh giá Ấn Độ và Việt Nam có quan điểm cơ bản tương đồng trong nhiều vấn đề khu vực và quốc tế, phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc và các cơ chế của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mà Ấn Độ là đối tác tham gia. Về vấn đề Biển Đông, hai bên chia sẻ quan điểm về giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.