(VOV5) - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Saleumxay Kommasith đề nghị Việt Nam tham gia và đóng góp tích cực cho Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) sắp tới tại Lào.
Nhân dịp dự Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) năm 2024, hôm qua (02/05), tại Paris, Pháp, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã gặp Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) Mathias Cormann. Bộ trưởng đề nghị OECD phối hợp cùng Việt Nam tập trung triển khai hai trọng tâm hợp tác quan trọng, gồm: hỗ trợ thực hiện 15 dự án trong Kế hoạch hành động Việt Nam-OECD giai đoạn 2022-2026; tăng cường quan hệ đối tác thông qua các nghiên cứu, phân tích về nền tảng kinh tế Việt Nam và tạo điều kiện để Việt Nam tham gia sâu hơn vào các ban chuyên môn của OECD. Về phần mình, ông Mathias Cormann cam kết sẵn sàng phối hợp, chủ động cùng Việt Nam lựa chọn các ban chuyên môn để hỗ trợ Việt Nam nắm bắt và vận dụng các xu hướng và tiêu chuẩn toàn cầu cho quá trình hoạch định chính sách phát triển phù hợp.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Tổng Thư ký OECD, Mathias Cormann. Ảnh: Anh Tuấn/VOV |
Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gặp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào, Saleumxay Kommasith. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ Lào đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2024; đề nghị Lào phối hợp trong thúc đẩy quan hệ OECD - ASEAN và Chương trình Đông Nam Á (SEARP) của OECD. Về phần mình, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Saleumxay Kommasith đề nghị Việt Nam tham gia và đóng góp tích cực cho Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) sắp tới tại Lào và mong muốn hai bên tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế, khu vực và tiểu vùng...
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn làm việc với với Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith. (Ảnh: Anh Tuấn) |
Trao đổi với Bộ trưởng Ngoại giao và Các vấn đề châu Âu Croatia Gordan Grlic Radman, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống với các nước trong khu vực Balkan, trong đó Croatia là một trong những đối tác ưu tiên. Về phần mình, Bộ trưởng Gordan Grlic Radman ủng hộ đẩy mạnh quan hệ hai nước, trong đó có hợp tác liên Nghị viện; nhất trí thúc đẩy thành lập Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế; đàm phán và ký Hiệp định về hợp tác giáo dục, lao động. Hai Bộ trưởng cũng nhất trí phối hợp tổ chức các sự kiện chào mừng 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Croatia trong năm 2024.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (trái) và Bộ trưởng Ngoại giao và Các vấn đề châu Âu Croatia Gordon Grlic Radman. Ảnh: Anh Tuấn |
Tại buổi tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Litva Simonas Satunas, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị Litva đóng góp tiếng nói ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong quá trình thực hiện đầy đủ, nghiêm túc khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về phát triển nghề cá bền vững và thúc đẩy EC sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” (IUU) đối với hàng thủy sản Việt Nam, thúc đẩy các nước thành viên EU khác sớm phê chuẩn Hiệp định EVIPA. Thứ trưởng Simonas Satunas nhất trí sẽ xem xét khả năng thành lập các cơ chế hợp tác song phương về kinh tế nhằm thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh như năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin, giáo dục, đào tạo, nông nghiệp, văn hóa, du lịch...