(VOV5) - Chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi không đơn thuần là chính sách hỗ trợ mà là chính sách đầu tư cho phát triển bền vững...
Toàn cảnh Phiên họp ngày 18/9 của UBTVQH - Ảnh VGP/Lê Sơn
|
Phiên họp ngày 18/09, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025.
Theo các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, khu vực dân tộc thiểu số miền núi, hải đảo hiện nay là vùng có điều kiện khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực thấp, kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất... Do đó, cần có chính sách đủ mạnh để đầu tư cho vùng này nhằm thực hiện mục tiêu thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển và mức thu nhập cũng là đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng: "Theo tôi phải đi vào 2 nhóm chính sách. Nhóm chính sách thứ nhất mang tính chất hỗ trợ, gồm sự hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng, hỗ trợ của doanh nghiệp. Nhóm thứ 2 là nhóm tổ chức, gồm có tổ chức sản xuất, tổ chức tiêu thụ để thực hiện. Ngoài ra, việc chia thành đề án thành phần thì cần phải tính toán".
Các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đề nghị cần xác định rõ chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi không đơn thuần là chính sách hỗ trợ mà là chính sách đầu tư cho phát triển bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Do vậy, Chính phủ cần chú trọng nguồn nhân lực, nguồn lực tài chính để thực hiện và đề án cần phân định rõ ràng, thu gọn đầu mối, đầu tư tập trung vào vùng lõi và những nút thắt cơ bản của khu vực này để tăng tính hiệu quả.
Trước đó, Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.