(VOV5) - Mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5% - 7% và cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016 - 2020 (6,25%) là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nếu không có giải pháp đột phá.
Chiều nay (23/10), trong khuôn khổ kỳ họp thứ 6, tại Hà Nội, các đại biểu Quốc hội khóa XV nghe báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Báo cáo do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày cho biết sau nửa nhiệm kỳ, Việt Nam cơ bản vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện. Nổi bật là xuất siêu 3 năm liên tiếp (năm 2021 đạt 3,5 tỷ USD; năm 2022 đạt 12,1 tỷ USD; năm 2023 ước đạt 15 tỷ USD). Quy mô, tiềm lực nền kinh tế không ngừng mở rộng. Theo giá hiện hành, GDP năm 2021 đạt khoảng 366 tỷ USD; năm 2022 ước đạt khoảng 408 tỷ USD; năm 2023 ước đạt từ 435 - 439 tỷ USD.
Các đại biểu Quốc hội khóa XV nghe báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế. Ảnh: quoochoi.vn |
Về bội chi ngân sách, 3 năm (2021-2023) ước ở mức 3,6% GDP trong phạm vi mục tiêu đề ra. Các chỉ tiêu an toàn nợ công, nợ Chính phủ 3 năm được kiểm soát thấp hơn giới hạn, ngưỡng cảnh báo, góp phần củng cố xếp hạng tín nhiệm quốc gia.
Trình bày thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng đồng tình khi cho rằng dù chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19, suy giảm thương mại toàn cầu, nhưng cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Các chính sách xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân được thực hiện tốt. Tuy vậy, cần đánh giá kỹ lưỡng việc sử dụng nguồn lực trong phòng, chống dịch COVID-19 , một số chính sách giải ngân chưa đạt yêu cầu…. Về việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng bình quân 5 năm (6,5 – 7%) , báo cáo của Chính phủ nhìn nhận đây là áp lực rất lớn.
Trong khi đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đánh giá để đạt được mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5% - 7% và cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016 - 2020 (6,25%) là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nếu không có giải pháp đột phá.
Vì vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần tiếp tục bám sát tình hình thế giới, đẩy nhanh hoàn thiện thể chế, tháo gỡ rào cản, chú trọng khâu thực thi; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các công trình trọng điểm, phát triển hạ tầng năng lượng, hạ tầng số….