(VOV5) - Những chuyến thăm lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno trở thành "cột mốc" trong lịch sử lâu dài giữa hai dân tộc.
Trong dịp Lễ kỉ niệm 60 năm chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Indonesia, Đại sứ quán Việt Nam tại In-đô-nê-xia đã tổ chức hội thảo “Tình bạn thân thiết giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno, mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Indonesia” với sự tham dự của các học giả hai nước, là các chuyên gia đầu ngành nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và quan hệ Việt Nam-Indonesia.
Hội thảo "Tình bạn thân thiết giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno, mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Indonesia" |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Được chia làm hai phiên, hội thảo “Tình bạn thân thiết giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno” đem đến cho người tham dự những góc nhìn đa chiều về chuyến đi lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Indonesia năm 1959 trong 10 ngày. Giáo sư Hoàng Chí Bảo, nhà nghiên cứu có uy tín về ngành Hồ Chí Minh học tại Việt Nam, cho biết, trong hàng loạt sự kiện lịch sử mà hai nước cùng kỷ niệm vào năm 2019 tại Việt Nam và Indonesia, điểm nhấn đặc biệt là tròn 60 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Indonesia lần đầu tiên, cũng tròn 60 năm Tổng thống đầu tiên của nước Cộng hòa Indonesia đến thăm Việt Nam. Quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai nhà nước được nâng cấp từ Tổng Lãnh sự lên Đại sứ cũng tròn sáu thập kỷ - một chặng đường cho sự phát triển tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, do chính hai nhà yêu nước vĩ đại, hai lãnh tụ kiệt xuất của hai dân tộc Việt Nam – Indonesia đặt nền móng xây dựng – Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno. Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Indonesia ông Nguyễn Đăng Tiến chia sẻ: "Quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Indonesia do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno cùng nhiều thế hệ lãnh đạo hai nước dày công vun đắp đã đặt nền móng vững chắc và là động lực mạnh mẽ thúc đẩy và phát triển quan hệ hai nước trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội và giao lưu nhân dân. Đối ngoại nhân dân và giao lưu con người là yếu tố rất quan trọng góp phần vào đảm bảo sự thành công và tính bền vững của quan hệ giữa Việt Nam và Indonesia”.
Chủ tịch Hội Hữu nghị Indonesia - Việt Nam ông Budiarsa cũng đề cập quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước trên góc độ ngoại giao, kinh tế cũng như triển vọng phát triển quan hệ hợp tác song phương.
Ông Agus Marwan, tác giả cuốn sách "Cuộc cách mạng bên bờ sông Hồng". |
Theo diễn giả Agus Marwan, tác giả của cuốn sách "Cuộc cách mạng bên bờ sông Hồng", mối quan hệ thân thiết của Tổng thống Sukarno và Chủ tịch Hồ Chí Minh là một thời khắc lịch sử đối với Indonesia và Việt Nam đối với một quốc gia phát triển. Qua nhiều năm tìm hiểu về cuộc cách mạng Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Agus Marwan cảm nhận được những điểm tương đồng giữa hai cốt cách lớn: "Trong mắt của người Indonesia, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người một người yêu nước, dành của cuộc đời cho độc lập Việt Nam, là nhà lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Nhật, Pháp và Mỹ. Cuộc chiến nhân văn xuyên quốc gia. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng viết thư hợp tác chiến đấu chống thực dân và đế quốc cùng Indonesia. Người cũng là một nhân vật uyên bác và biết nhiều ngoại ngữ".
Ông Rudy Hartono, người đạt giải nhất cuộc thi viết tìm hiểu về chuyến đi lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Indonesia do Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia phối hợp với Ban Đối ngoại, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức, chia sẻ: “Nhờ công lao của hai nhà lãnh đạo, hai nước Indonesia và Việt Nam được sống trong nền độc lập, không có sự can thiệp từ bên ngoài. Cả hai nước hiện nay đang tiếp tục hợp tác trong tất cả các lĩnh vực trên nền tảng gia đình, sự ấm áp và cùng có lợi”.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Giảng viên cao cấp Học viện báo chí tuyên truyền, bà Trần Thị Minh Tuyết cho rằng: Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno luôn dành cho nhau sự đón tiếp nồng hậu, vượt qua những nguyên tắc ngoại giao thông thường. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno không đơn thuần là mối quan hệ ngoại giao giữa hai bậc nguyên thủ quốc gia mà còn là tình bạn, tình anh em kết nghĩa. Tiến sĩ Trần Thị Minh Tuyết cũng nêu những điểm đặc biệt trong mối quan hệ giữa hai vị lãnh tụ như Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno đã trao tặng cho nhau huân chương cao quý nhất của nước mình. Tại đất nước Indonesia anh em, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận bằng Tiến sỹ danh dự duy nhất trong đời. Trong số nhiều nhà lãnh đạo các nước đến Việt Nam, Tổng thống Sukarno là người được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thơ nhiều nhất.
Qua các câu chuyện và tham luận của các học giả, nhà nghiên cứu Việt Nam và Indonesia, những người có tâm huyết và đã dành hàng chục năm nghiên cứu và có nhiều cuốn sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno, những người tham dự đã có những hiểu biết sâu sắc hơn về nội dung và ý nghĩa hai chuyến thăm cách nhau 3 tháng vào năm 1959 của hai vị lãnh tụ. Những chuyến thăm lịch sử đó trở thành "cột mốc" trong lịch sử lâu dài giữa hai dân tộc.