(VOV5) - Tổng Bí thư chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
80 năm tuổi đời, gần 57 năm tuổi Đảng, 14 năm trên cương vị Tổng Bí thư, hơn 2 năm trên cương vị Chủ tịch nước, hơn 5 năm trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là hạt nhân lãnh đạo của Việt Nam. Ông cùng với Trung ương Đảng, Chính phủ, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đạt được nhiều thành tựu to lớn trong xây dựng, phát triển đất nước. Tổng Bí thư cũng là nhà tư tưởng về chủ nghĩa cộng sản với lý luận uyên thâm.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện rõ vai trò là hạt nhân lãnh đạo, cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xây dựng sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động trong Đảng. Ảnh: baochinhphu.vn |
Kể từ khi gia nhập Đảng cộng sản Việt Nam, tháng 12/1967, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp xây dựng Đảng. 29 năm làm việc ở Tạp chí Cộng sản, cơ quan nghiên cứu lý luận chính trị và tuyên truyền lý luận chính trị hàng đầu của Đảng, và sau này, khi sang các cơ quan khác nhận các nhiệm vụ cao hơn, chưa bao giờ ông xa rời công tác lý luận. Bởi theo Tổng Bí thư, ngọn cờ lý luận của Đảng sẽ giúp xác định được tầm nhìn chiến lược của Đảng và của dân tộc.
PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: quochoi.vn |
Tổng Bí thư chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Theo Tổng Bí thư, đó là nguyên tắc cơ bản, nền tảng vững chắc của Đảng, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ, với dân tộc. PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo có uy tín lớn, nhưng đồng thời là nhà lý luận, nhà khoa học toàn tâm, toàn ý với sự nghiệp khoa học. Từ khi được Đại hội Đảng lần thứ XI bầu làm Tổng Bí thư, tính trung thành, kiên định với Chủ nghĩa Mác - Lê Nin, với tư tưởng Hồ Chí Minh, con đường phát triển của cách mạng Việt Nam gắn liền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, con đường mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn năm 1930, được Tổng Bí thư thể hiện rất rõ.”
Trên cương vị Tổng Bí thư, ông đã thể hiện vai trò hạt nhân lãnh đạo, cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xây dựng sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động trong Đảng. Tổng Bí thư cho rằng đoàn kết là giá trị cốt lõi; đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, là động lực to lớn làm nên những thắng lợi vẻ vang của dân tộc. Nhà báo Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp Chí Cộng sản, khẳng định: “Một điều rất thú vị là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được Đảng, nhân dân tin cậy trao cho 3 trọng trách: Tổng Bí thư 3 khóa, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội. Với tư cách là người đứng đầu Đảng, người đứng đầu Nhà nước và người đứng đầu Quốc hội. Tổng Bí thư cũng là một nhà lý luận đặc biệt trong thời kỳ đổi mới, khởi đầu từ Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cho tới ngày hôm nay, sau 40 năm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng bước hình thành lý luận đổi mới mà hạt nhân là hệ thống lý luận Nguyễn Phú Trọng”.
Trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn luôn dành trọn tâm huyết cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc để tiếp tục phát huy tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam./.