(VOV5) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị lãnh đạo tỉnh cần nghiên cứu, tham khảo những ý kiến của các Bộ, Ban ngành Trung ương về việc coi nông nghiệp vẫn là hướng phát triển chủ yếu.
Tiếp tục chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Sóc Trăng để kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội 11 của Đảng, các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương và công tác chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội 12 của Đảng, chiều 9/3, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cán bộ chủ chốt của tỉnh.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng quà cho Mẹ Việt Nam Anh hùng ở xã nông thôn mới Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên. (Ảnh: TTXVN) |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị lãnh đạo tỉnh cần nghiên cứu, tham khảo những ý kiến của các Bộ, Ban ngành Trung ương về việc coi nông nghiệp vẫn là hướng phát triển chủ yếu; tăng cường thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến, phát triển kinh tế biển. Tổng Bí thư ghi nhận kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh Sóc Trăng giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn và phát triển kinh tế, chăm lo đời sống nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc Khmer. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Sóc Trang chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng cả về văn kiện và nhân sự, tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ 12 của Đảng.
Cuối buổi chiều 9/3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp các đại biểu trong Ban Thường trực, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng. Tổng Bí thư nhấn mạnh: Trong những năm qua, sư sãi, tín đồ Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng tham gia và đóng góp ngày càng nhiều hơn vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là duy trì, phát triển các giá trị văn hóa tôn giáo truyền thống của đồng bào các dân tộc ở Nam Bộ và hoạt động từ thiện xã hội... góp phần thiết thực vào đóng góp chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và đất nước.
Tổng Bí thư tin tưởng rằng trong thời gian tới, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Sóc Trăng tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước của Phật giáo, luôn đề cao và thực hiện tốt tinh thần hộ quốc, an dân, không ngừng nâng cao kiến thức Phật học, trau dồi đạo hạnh để trở thành những nhà sư, những tín đồ Phật giáo mẫu mực theo chính pháp và phương châm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đồng thời thực hiện tốt các chính sách và luật pháp của Nhà nước, quy định của địa phương, thực hiện đầy đủ trách nhiệm và quyền lợi của công dân, sống hài hòa, đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc, thực hiện “tốt đời, đẹp đạo”./.