(VOV5) - Những cống hiến to lớn và sự hy sinh oanh liệt của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã góp phần làm rạng danh Tổ quốc, dân tộc Việt Nam.
Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (9/7/1912-9/7/2022), ngày 8/7, tại tỉnh Bắc Ninh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Bắc Ninh phối hợp tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Bắc Ninh”.
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: VOV |
Ông Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 9/7/1912 trong một gia đình nhà Nho yêu nước ở làng Phù Khê, tổng Nghĩa Lập, phủ Từ Sơn (nay là thôn Phù Khê, phường Phù Khê, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Hội nghị Trung ương tháng 3/1938, ông được bầu là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khi mới chưa đầy 26 tuổi. Ngày 18/1/1940, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ bị mật thám Pháp bắt tại Sài Gòn. Sau khi Khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra (23/11/1940), ông bị thực dân Pháp buộc tội chịu trách nhiệm tinh thần của cuộc khởi nghĩa và ngày 28/8/1941, ông anh dũng hy sinh trước mũi súng quân thù tại trường bắn Ngã Ba Giồng, Hóc Môn, Gia Định.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, khẳng định: cuộc đời Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ tuy ngắn ngủi nhưng vô cùng trong sáng và cao đẹp. Những cống hiến to lớn và sự hy sinh oanh liệt của ông đã góp phần làm rạng danh Tổ quốc ta, dân tộc; tô thắm thêm lịch sử, truyền thống vẻ vang của Đảng. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ là người cộng sản kiên trung, nhà lý luận xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam.