|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị (Ảnh: dangcongsan.vn) |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng lần này có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ kiểm điểm những nhiệm vụ từ sau Đai hội XII của Đảng về công tác phòng chống tham nhũng, bàn phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, mà Hội nghị còn nhìn lại 5 năm kể từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, chỉ ra những kết quả đạt được, những khó khăn hạn chế, bài học kinh nghiệm, và đề ra giải pháp, nhằm không chỉ duy trì mà phải đẩy mạnh hơn nữa công cuộc chống giặc nội xâm đang ở giai đoạn hết sức quan trọng, quyết liệt.
Hội nghị lần này không chỉ có ý nghĩa động viên tinh thần, mà còn bàn các công việc thiết thực, cụ thể, nhằm tạo bước chuyển biến mới, mạnh mẽ hơn, hiệu quả cao hơn nữa trong công tác phòng chống tham nhũng.
“Ý nghĩa quan trọng, vì thế mà tất cả các vị trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư có mặt hết. Hơn 100 vị Ủy viên Trung ương có mặt và tất cả các cán bộ có trách nhiệm. Dư luận quan tâm xem Hội nghị đi đến kết luận gì? Liệu có tiếp tục không? Hay làm người ta thất vọng? Chúng ta nghe báo cáo chung về công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua, đặc biệt sau Đại hội XII, sau đó thảo luận. Hầu hết các Bộ, ngành đều chuẩn bị, thảo luận để kết luận chung, thống nhất cách làm hiệu quả. Thành công phải mang chuyển biến mới trong đời sống xã hội. Hội nghị phải có ý nghĩa bổ ích, thiết thực, chứ nếu chung chung như mọi lần, như thế thì không thành công”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
|
Toàn cảnh Hội nghị |
Báo cáo tình hình kết quả công tác phòng, chống tham nhũng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cho biết, sau hơn 4 năm thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư và nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, công tác PCTN đã có một bước tiến mạnh, đột phá, đạt được nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt; tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, “có chiều hướng thuyên giảm”, củng cố niềm tin và tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cán bộ, đảng viên, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong đó, với những kết quả nổi bật như vai trò, trách nhiệm, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong PCTN được nâng lên; Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế về kinh tế - xã hội và PCTN được đẩy mạnh; nhiều quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước được ban hành nhằm tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và PCTN, vừa để cảnh báo, răn đe, ngăn chặn, vừa là căn cứ để phát hiện, xử lý sai phạm. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được chỉ đạo quyết liệt, chặt chẽ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả PCTN.
Từ năm 2014 đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 840 tổ chức đảng và 58.120 đảng viên vi phạm, trong đó có gần 2.720 đảng viên vi phạm về tham nhũng, cố ý làm trái. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra làm rõ nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng, quyết định kỷ luật và đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật nhiều tổ chức đảng và đảng viên là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước vi phạm (cả đương chức, chuyển công tác và đã nghỉ hưu (từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã thi hành kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 9 cán bộ là Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương, khai trừ đảng 1 Ủy viên Trung ương - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị). Đồng thời, các cơ quan nhà nước đã kỷ luật tương xứng với kỷ luật của đảng đối với cán bộ, công chức sai phạm, đảm bảo kịp thời, đồng bộ giữa kỷ luật của Đảng và kỷ luật theo pháp luật của Nhà nước. Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước.
|
|
Tập trung thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng. Thanh tra Chính phủ đã thanh tra toàn diện một số dự án gây thất thoát, thua lỗ lớn, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm; Kiểm toán Nhà nước tập trung kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, các dự án BT, BOT, dự án sử dụng vốn ODA,... Từ năm 2014 đến nay, qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi trên 260.000 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự hơn 340 vụ, 436 đối tượng; trong đó từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã kiến nghị thu hồi trên 165.000 tỷ đồng và 12.000 ha đất; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 194 vụ, 335 đối tượng liên quan đến tham nhũng, kinh tế.
Ban Chỉ đạo đã thành lập 31 Đoàn kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm tại 63 địa phương và 4 Đảng ủy, Ban cán sự đảng trực thuộc Trung ương. Qua kiểm tra, giám sát, kiến nghị chỉ đạo xử lý 452 vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế.
Báo cáo chỉ rõ, đã chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, kịp thời nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, với những mức án nghiêm khắc và nhân văn, tích cực thu hồi tài sản tham nhũng; thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng và Tổng Bí thư: Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai.
Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đến nay đã kết thúc điều tra, truy tố và đưa ra xét xử sơ thẩm 35 vụ án/440 bị cáo, với 11 án tử hình cho 10 bị cáo; 20 án chung thân cho 19 bị cáo; 7 bị cáo bị phạt tù với mức án 30 năm; 393 bị cáo bị phạt tù từ 12 tháng đến dưới 30 năm; cải tạo không giam giữ 7 bị cáo; cảnh cáo 2 bị cáo...
Báo cáo cũng chỉ ra một số hạn chế trong công tác phòng chống tham nhũng như Công tác tuyên truyền, giáo dục về PCTN hiệu quả chưa cao; chưa tạo được sự chuyển biến căn bản về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức và người dân về PCTN, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế trong một số trường hợp còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên một số lĩnh vực vẫn còn thiếu chặt chẽ, chưa phù hợp với thực tiễn, dễ bị lợi dụng để tham nhũng, nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung, nhất là trên các lĩnh vực: quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý doanh nghiệp nhà nước và vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; đấu thầu...
Công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ, đảng viên để PCTN vẫn còn hạn chế. Các loại “chạy” trong công tác cán bộ chậm được ngăn chặn, đẩy lùi. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp; phát hiện và xử lý tham nhũng ở nhiều địa phương chưa có chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt; vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, nể nang, né tránh, ngại va chạm trong công tác PCTN; tham nhũng “vặt” chưa được ngăn chặn có hiệu quả..
Sau khi nghe báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, các đại biểu đã phát biểu tham luận, phân tích nguyên nhân và đề ra các giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi hiệu quả tình trạng tham nhũng tại các bộ, ngành, đơn vị mình phụ trách.
Theo chương trình, chiều nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ phát biểu kết luận Hội nghị.