(VOV5) - Ngoại giao cây tre không chỉ là phương pháp hoạt động cho ngành ngoại giao Việt Nam, mà còn là lựa chọn chính trị đúng đắn trong bối cảnh hiện nay.
Nhiều học giả, nhà nghiên cứu Nga đánh giá cao triết lý ngoại giao cây tre của Việt Nam tại Hội thảo “Việt Nam trong thế giới đa cực: cách tiếp cận, những thách thức và triển vọng”, diễn ra ngày 22/5 tại Đại học quan hệ quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Nga (MGIMO), ở Moscow (Nga).
Hội thảo “Việt Nam trong thế giới đa cực: cách tiếp cận, thách thức và triển vọng.” Ảnh: Tâm Hằng/TTXVN |
Phó Giám đốc Trung tâm Đông Nam Á của MGIMO, bà Valeria Vershinina cho rằng phong cách ngoại giao cây tre trước hết là sự thích nghi với tình hình hiện tại trong quan hệ quốc tế, thể hiện qua hành động của Việt Nam trong bối cảnh bất ổn hiện tại trên thế giới, là sự mềm mại, linh hoạt, biết tùy thời tùy thế và quan trọng nhất là luôn giữ cho mình thế chủ động trong các quyết định.
Bà Vershinina chỉ ra rằng chỉ trong ít năm gần đây Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất là Đối tác chiến lược toàn diện với một loạt cường quốc, đặc biệt là Mỹ, trong khi Việt Nam và Liên bang Nga vẫn đang duy trì quan hệ cấp cao nhất rất thành công. Điều đó cho thấy đường lối ngoại giao cây tre của Việt Nam là đường lối đa chiều, và nhắm đến việc duy trì được tầm ảnh hưởng, được thế chủ động của đất nước, bất chấp những xung đột đang diễn ra tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cũng như tại các khu vực khác trên thế giới.
Về phần mình, Giám đốc trung tâm nghiên cứu Việt Nam và các nước Đông Nam Á (ASEAN), Viện Hàn lâm khoa học Nga, Vladimir Mazyrin, đánh giá từ quan điểm nghiên cứu Việt Nam, triết lý ngoại giao cây tre là triết lý mới mẻ trong ngoại giao. Ông cho rằng triết lý này hợp lý hơn so với các nước cùng khu vực. Qua thảo luận tại hội thảo, ông Mazyrin cho rằng ngoại giao cây tre không chỉ là phương pháp hoạt động cho ngành ngoại giao Việt Nam, mà còn là lựa chọn chính trị đúng đắn trong bối cảnh hiện nay, và chính sách này thể hiện công sức nghiên cứu và tìm tòi sáng tạo của lãnh đạo Việt Nam.