(VOV5) - Hành động này đã được cộng đồng quốc tế, Chính phủ và Nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá cao.
Chiều nay (17/03), tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc gặp mặt và tuyên dương các tập thể, cá nhân trong đoàn công tác của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đã tham gia cứu nạn, cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ sau thảm họa động đất ngày 06/02.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc gặp mặt và tuyên dương các tập thể, cá nhân trong đoàn công tác của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đã tham gia cứu nạn, cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tại buổi Lễ tuyên dương, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ Chính phủ và nhân dân Việt Nam rất chia sẻ với Chính phủ và nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ về những mất mát, thiệt hại về người và tài sản trong thảm họa động đất. Nhấn mạnh thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Việt Nam là bạn tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; với truyền thống tương thân, tương ái, Việt Nam đã nhanh chóng cử Đoàn công tác sang giúp đỡ Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn. Đây là lần đầu tiên Việt Nam cử lực lượng lớn (gồm 100 thành viên của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an) tham gia hỗ trợ công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ ở một nơi xa bên ngoài lãnh thổ. Hành động này đã được cộng đồng quốc tế, Chính phủ và Nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá cao.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ những bài học kinh nghiệm trong việc triển khai các hoạt động ở nước ngoài, đồng thời nhấn mạnh thời gian tới, biến đổi khí hậu sẽ ngày càng diễn biến cực đoan, phức tạp, khó lường; theo đó, nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo, cứu nạn, cứu hộ yêu cầu ngày càng cao. Thủ tướng yêu cầu các đơn vị nắm chắc tình hình, khi có các vấn đề phát sinh, xuất hiện các sự cố, thảm họa để chủ động, nhạy bén, kịp thời tham mưu, đề xuất, bám sát chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước và điều kiện thực tế của đất nước. Cùng với đó, cần chuẩn bị từ sớm, từ xa về lực lượng, phương tiện phù hợp với các loại hình sự cố, thảm họa. Thủ tướng lưu ý cần tăng cường công tác phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc giải quyết, ứng phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống; xây dựng cơ chế chỉ huy, điều hành ứng phó với các tình huống sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, không để bị động, bất ngờ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao nghiên cứu, đánh giá, đúc rút bài học kinh nghiệm trong công tác chuẩn bị, tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị thực hiện nhiệm vụ; đồng thời nghiên cứu, tiếp thu những kinh nghiệm từ các nước cùng tham gia hỗ trợ tại Thổ Nhĩ Kỳ để chọn lọc nội dung phù hợp, bổ sung vào chương trình huấn luyện nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh.