(VOV5) - Các đại biểu biểu quyết thông qua dự án Luật tiếp công dân và thảo luận về dự án Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) trong phiên làm việc của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 13.
Sáng 25/11, Quốc hội làm việc tại hội trường biểu quyết thông qua Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật đã được đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường. Với 87% số phiếu tán thành, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Dự thảo Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật gồm 5 chương, 77 điều, quy định hoạt động phòng, chống sinh vật gây hại thực vật; kiểm dịch thực vật; quản lý thuốc bảo vệ thực vật.
Thời gian còn lại của phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội thảo luận về dự án Luật xây dựng( sửa đổi).
Mở đầu phiên họp buổi chiều, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Phan Trung Lý trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật tiếp công dân. Với trên 84% phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật tiếp công dân. Luật tiếp công dân mới có 9 chương, 36 điều. Phạm vi điều chỉnh của luật là quy định về trách nhiệm tiếp công dân; quyền và nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; việc tổ chức các hoạt động tiếp dân tại Trụ sở tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị và điều kiện đảm bảo cho hoạt động tiếp công dân. Việc tiếp đại diện của cơ quan, tổ chức đến khiếu nại, kiến nghị, phản ánh, tiếp người nước ngoài đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được thực hiện như đối với tiếp công dân. Luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/7/2014
|
Thảo luận về dự án Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) chiều nay, một số đại biểu cho rằng môi trường và biến đổi khí hậu có mối quan hệ gắn kết hữu cơ, môi trường sẽ ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến biến đối khí hậu. Tuy nhiên hiện nay, nội dung về biến đổi khí hậu còn nằm rải rác trong các điều luật khác nhau của Dự thảo Luật. Bà Mai Thị Thuý, đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang, đề nghị:Biến đối khí hấu và thích ứng với biến đối khí hậu đang là vấn đề nóng bỏng của thế giới. Ứng phó với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ rất quan trọng đối với Việt Nam. Tuy nhiên, tôi thấy chưa được đề cập một cách thấu đáo trong dự án luật. Vì vậy, đề nghị ban soạn thảo cần thiết kế 1 chương riêng về ứng phó với biến đổi khí hậu. “
Đối với quy hoạch bảo vệ môi trường, một trong những giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, ông Nguyễn Minh Lâm, đại biểu Quốc hội tỉnh Long An, khẳng định: Quy hoạch bảo vệ môi trường là nội dung mới, rất quan trọng và cần thiết cho công tác quản lý và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, dự thảo chưa đưa vào luật. Tôi đề nghị cần có quy hoạch nhằm tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan thực hiện chức năng quản lý tốt hơn, giúp cho các tổ chức cá nhân chủ động hơn trong sản xuất kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững ở các cấp độ khác nhau. Thứ hai là các yêu cầu về công tác quy hoạch bảo vệ môi trường đã được đặt ra trong các văn kiện đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11. Do đó cần phải đưa nội dung quy hoạch bảo vệ môi trường vào dự thảo luật và nên thực hiện công tác quy hoạch bảo vệ môi trường chỉ ở 2 cấp: cấp tỉnh, thành phố và cấp vùng.”
Biến đổi khí hậu đang tác động mạnh đến Việt Nam và các nước trên thế giới. Chủ trương của Việt Nam là phấn đấu đến năm 2020, về cơ bản, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính; có bước chuyển biến cơ bản trong khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững, kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường; chủ động phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng đối với vùng ven biển nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng, ven biển miền Trung./.