Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân

(VOV5) -Tiếp tục phiên họp thứ 35 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, chiều này, các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật trưng cầu ý dân và Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Cho ý kiến về Dự án Luật trưng cầu ý dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Luật này để phát huy hơn nữa quyền dân chủ của người dân, nhất là quyền dân chủ trực tiếp song đề nghị cần có các quy định chặt chẽ, rõ ràng nhằm tránh tình trạng lợi dụng dân chủ để gây bất ổn chính trị đất nước. Nội dung được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận là quy định về những vấn đề đề nghị trưng cầu ý dân, phạm vi trưng cầu ý dân, kết quả của trưng cầu ý dân. Các đại biểu tán thành với phương án chỉ quy định khái quát, nguyên tắc những vấn đề có thể đưa ra trưng cầu ý dân như những vấn đề quan trọng về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Căn cứ vào đó, tùy theo điều kiện cụ thể, Quốc hội quyết định tổ chức trưng cầu ý dân đối với từng vấn đề cụ thể. Về phạm vi trưng cầu ý dân, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành quy định các cuộc trưng cầu ý dân được thực hiện trên phạm vi toàn quốc.  Dự thảo Luật trình 2 phương án về chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân. Theo đó, Phương án 1 gồm Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị trưng cầu ý dân; Phương án 2 mở rộng thêm một số chủ thể khác cũng có quyền đề nghị trưng cầu ý dân.        
  
Truwcs đó, vào sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội  cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân.


Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân - ảnh 1

Phiên họp thứ 35 Ủy ban thường vụ Quốc hội


Quy định về Hội đồng bầu cử quốc gia là nội dung được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận tại phiên họp. Các ý kiến cơ bản tán thành với phương án giữ các quy định về Hội đồng bầu cử quôc gia như dự thảo Luật. Theo đó, Hội đồng này được thành lập khi công bố ngày bầu cử và kết thúc nhiệm vụ sau khi Quốc hội xác nhận tư cách đại biểu. Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng: Ưu điểm của phương án này là bảo đảm tính ổn định, kế thừa trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng bầu cử Trung ương, không làm phát sinh thêm bộ máy. Tuy nhiên, phương án này chưa thể hiện được nhiều điểm mới trong việc tổ chức bầu cử, chưa tạo lập được bộ máy chuyên nghiệp, độc lập trong tổ chức bầu cử, đồng thời khó ứng phó khi có công việc phát sinh như bầu bổ sung đại biểu giữa nhiệm kì. Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng: Nếu phát sinh bầu bổ sung đại biểu giữa nhiệm kì thì đã có quy định trong Hiến pháp: Soi rọi vào thực tế tôi thống nhất ý kiến và nên thành lập Hội đồng bầu cử theo từng nhiệm kì. Nếu cần thiết bầu bổ sung thì chúng ta đi lại quy trình đúng như Hiến pháp, đó là thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia và Hội đồng này sẽ tổ chức việc bầu cử đại biểu Quốc hội. Tôi nghĩ việc này cũng không khó.


Một số ý kiến cũng cho rằng: Không nên quy định hoạt động của Hội đồng nhân dân trong nhiệm kì 5 năm, vì như vậy sẽ tạo ra thêm một bộ máy cồng kềnh, không phù hợp với mục tiêu cải cách hành chính. Liên quan đến quy định về cơ cấu, thành phần, tỉ lệ phân bổ đại biểu là nữ và người dân tộc thiểu số, nhiều đại biểu cho rằng, quy định cụ thể ngay trong Luật là điều khó khả thi, gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội, nêu ý kiến: Lấy ví dụ nhiệm kì vừa qua chúng ta quy định tỉ lệ nữ là 30-35% nhưng thực tế vào không đạt được tỉ lệ này mà Luật quy định như trong này là nữ trên 30%. Nếu không đạt được thì cuộc bầu cử này có được công nhận không? Do đó theo tôi nên quy định là từng kì một nên đạt được một tỉ lệ thích ứng nhưng tỉ lệ đó còn phù thuộc vào mức độ tín nhiệm của từng đại biểu đó tại nơi ứng cử.

Sáng mai (26/2), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chương trình phiên họp, cho ý kiến về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Phản hồi

Các tin/bài khác