Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Dự án Luật Tòa án nhân dân ( sửa đổi)

(VOV5) - Sáng 23/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp cho ý kiến vào Dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với quy định về “Tòa án thực hiện quyền tư pháp”.


Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Dự án Luật Tòa án nhân dân ( sửa đổi) - ảnh 1
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại Ủy ban Thường vụ. Ảnh: congan.com.vn


Các đại biểu đề nghị cần có những nguyên tắc, quy định cụ thể trong luật về quy trình thủ tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án. Các quy định cũng cần chặt chẽ, tránh những yếu tố gây ảnh hưởng đến hoạt động xét xử độc lập của thẩm phán, đảm bảo quyền được bào chữa, nhờ người bào chữa và quyền tranh tụng khi mở phiên tòa.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Cần căn cứ vào Hiến pháp để xác định quyền quyền tranh tụng và quy định cho luật sư và tự bào chữa ngay từ đầu thì người ta mới thu thập chứng cứ, nghe nhân thân, tìm hiểu sự việc, đi chứng minh và mới đi bào chữa được. Tối cao của Tòa án và pháp luật của chúng ta là công lý, mà trước công lý thì tất cả là bình đẳng. Người chưa bị buộc tội là bị can người ta cũng có quyền, luật sư bào chữa có quyền, người thay mặt nhà nước, thay mặt viện kiểm sát là đứng ra truy tố và buộc tội có quyền còn người xét xử mới là người quyết định. Vì thế phải đảm bảo nguyên tắc tranh tụng tại tòa”.            

Cuối buổi sáng, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của Dự án Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi).


Cho ý kiến vào dự án Luật bầu cử đại biểu quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân trong phiên họp diễn ra chiều 23/9, các đại biểu cho rằng, việc ban hành chung một luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân sẽ giúp cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo về tổ chức bầu cử được thuận lợi hơn, góp phần nâng cao chất lượng đại biểu, tiếp tục đổi mới tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân các cấp. Về Hội đồng bầu cử quốc gia, nhiều ý kiến đề nghị Dự thảo Luật cần được tiếp tục rà soát, làm rõ thêm để bảo đảm các quy định của Luật về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể, cơ cấu tổ chức của Hội đồng này phù hợp với nội dung và tinh thần của Hiến pháp cũng như tiêu chuẩn, số lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, quyền bầu cử, quyền ứng cử, tiêu chuẩn của người ứng cử./.


Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác