Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư xây dựng dự án sân bay Long Thành

(VOV5) Trong phiên họp thứ 35 sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.



Đây là dự án có tổng mức đầu tư rất lớn và tiến hành trong thời gian dài, do đó các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần có đánh giá tác động toàn diện về kinh tế xã hội, môi trường, an ninh quốc phòng, nhất là tác động đến ngân sách nhà nước và nợ công. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị làm rõ cơ chế tài chính cho dự án: Hiện nay là áp dụng cơ chế tài chính nào, cấp vốn không hoàn lại đối với ngân sách tập trung hay đây là cấp vốn để cho hoạt động như một doanh nghiệp kinh doanh, hay là vốn ODA vay về cho vay lại. Trong báo cáo nói rằng có những khoản ngoài ngân sách thì khoản nào là Chính phủ phải bảo lãnh? Vậy thì ngân sách là bao nhiêu và cuối cùng là hiệu quả thế nào, thu hồi vốn thế nào.


Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư xây dựng dự án sân bay Long Thành - ảnh 1

Phối cảnh dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. (Ảnh: KT)

Cũng theo ông Phùng Quốc Hiển, trong điều kiện nguồn vốn khó khăn như hiện nay, cần tính toán đặt dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành trong trật tự ưu tiên phát triển các loại hình vận tải bao gồm đường bộ, đường thủy, đường sắt và hàng không. Về môi trường, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, đề nghị:  Yêu cầu của một báo cáo xin chủ trương đầu tư là phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề nghị Chính phủ làm rõ thêm và cần có nội dung này trước khi trình Quốc hội xin ý kiến đầu tư. Thứ hai đây là dự án lớn và lâu dài. Do đó phải có các nội dung liên quan đến công nghệ, đấu thầu, lựa chọn công nghệ.

Giải trình thêm tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho biết về cơ chế tài chính, dự án này có tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước khoảng 30%. Về hiệu quả của dự án, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết toàn bộ các dự án cảng hàng không từ trước đến nay đều làm ăn có lãi. Đánh giá nợ công,  Bộ trưởng khẳng định: Bộ đã có tính toán và chỉ số tác động đến nợ công thấp hơn nhiều so với phương án trước đây.


Trong phiên làm việc chiều nay, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi), trong đó tập trung thảo luận về quy định phân cấp quản lý ngân sách Nhà nước giữa Trung ương và địa phương. Một số ý kiến đề nghị quy định rõ hơn về phân cấp nguồn thu ngân sách Nhà nước giữa trung ương và địa phương; dự thảo Luật phải sửa đổi để thể hiện rõ vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng để đảm bảo phân cấp quản lý ngân sách Nhà nước giữa Trung ương và địa phương, Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) cần được Quốc hội thông qua sau Luật tổ chức chính quyền địa phương.

Về quy trình ngân sách, nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Quốc hội quyết định ngân sách qua 2 kỳ họp. Giai đoạn 1, tại kỳ họp giữa năm, Quốc hội sẽ quyết định khung ngân sách, tổng thu, tổng chi, bội chi, cơ cấu thu, chi, định hướng ưu tiên nhiệm vụ chi trong một số ngành, lĩnh vực. Trên cơ sở đó, tại kỳ họp cuối năm, Chính phủ báo cáo về dự toán thu, chi chính thức và phương án phân bổ cụ thể ngân sách Trung ương cũng như dự toán ngân sách nhà nước để Quốc hội xem xét quyết định.



Ngày mai (27/02) Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc cho ý kiến về dự án Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật tạm giữ, tạm giam 

Phản hồi

Các tin/bài khác