(VOV5)- Sáng nay, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội.
Tại phiên họp, đa số ý kiến cho rằng cần nâng cao chất lượng xây dựng các dự án Luật phù hợp với Hiến pháp trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét, thông qua. Theo Tờ trình của Chính phủ, để thi hành Hiến pháp sửa đổi cần ưu tiên bổ sung vào Chương trình xây dựng luật năm 2014 các dự án luật về tổ chức bộ máy, thẩm quyền của các cơ quan nhà nước có liên quan. Tiếp đó, năm 2015 sẽ tập trung xây dựng các dự án luật, pháp lệnh để cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp, nhất là về thể chế kinh tế, quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân. Nhiều đại biểu cho rằng trong thời gian tới, Việt Nam cần thay đổi cách xây dựng luật để nhiều dự án luật được thông qua đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phù hợp với Hiến pháp. Theo đó, trong các phiên họp, kỳ họp Quốc hội việc góp ý xây dựng luật nên tập trung vào những điều, khoản còn có ý kiến khác nhau.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đọc báo cáo thẩm tra
Cũng trong sáng 23/4, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nghe dự thảo Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012. Các ý kiến đánh giá cao thành công của chính sách giảm nghèo, khẳng định đường lối, quan điểm xuyên suốt của Đảng, coi xóa đói giảm nghèo là ưu tiên hàng đầu của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và chính bản thân người nghèo. Kết quả giảm nghèo đã góp phần quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số. Trên cơ sở Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012, nhiều ý kiến đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về “Đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật giảm nghèo giai đoạn 2005-2020”, tập trung vào việc định hướng điều chỉnh chính sách giảm nghèo sau 2015, ưu tiên bảo đảm nguồn lực đối với chính sách giảm nghèo, tăng cường công tác quản lý Nhà nước, phân công, phân cấp cụ thể trách nhiệm, đổi mới cơ chế điều hành và hoàn thiện khung tiêu chính đánh giá hiệu quả giảm nghèo./.