(VOV5)- So với Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện hành, dự thảo Luật đã mở rộng hơn phạm vi và đối tượng giám sát.
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 31, chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi). Các đại biểu nhận định, việc sửa đổi Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là rất cần thiết, nhằm cụ thể hoá quy định mới của Hiến pháp liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật, tạo cơ sở pháp lý và điều kiện cần thiết cho hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời gian tới. Một trong những điểm mới của Hiến pháp là ghi nhận chức năng của Mặt trận trong việc giám sát và phản biện xã hội. So với Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện hành, dự thảo Luật đã mở rộng hơn phạm vi và đối tượng giám sát. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị, cần xác định cụ thể đối tượng và nội dung giám sát cũng như giá trị pháp lý của kết luận giám sát do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện và mối quan hệ giữa giám sát của Mặt trận với các hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu các hình thức giám sát cho phù hợp, nhằm bảo đảm việc giám sát mang lại hiệu quả thiết thực, tránh tạo sự nặng nề, trùng lắp. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu ý kiến: Về hình thức giám sát thì tôi đề nghị cân nhắc. Nếu như chúng ta quy định hình thức tổ chức đoàn giám sát thì sẽ hành chính hóa và nhà nước hóa hoạt động giám sát của Mặt trận. Mặt trận giám sát phải khác chứ không phải như đoàn giám sát của Quốc hội hay hội đồng nhân dân mà là giám sát qua nhân dân, qua các tổ chức của mặt trận bằng nhiều hình thức, đi vào đời sống thực của người dân.
Trước đó, sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe và thảo luận Báo cáo giám sát về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng. Qua thảo luận, đa số các đại biểu đánh giá cao hoạt động của đoàn giám sát trong việc xây dựng tập tài liệu phân tích đối với quá trình tái cơ cấu cả ba lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng nhiều nội dung báo cáo giám sát chưa phân tích rõ kết quả trong quá trình thực hiện đề án.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng
Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh báo cáo cần làm rõ những hạn chế vướng mắc và nguyên nhân của những khó khăn để đề xuất nhiệm vụ cụ thể từ nay đến 2015: “Đây là giám sát tối cao để Ủy ban thường vụ Quốc hội làm cơ sở cho Quốc hội tiến hành giám sát và ra Nghị Quyết. Trong Nghị quyết thì báo cáo tình hình tái cơ cấu, kết quả đạt được, hạn chế nguyên nhân và sau giám sát có chủ trương gì phải nói rõ. Chúng ta nên bỏ công thức viết là cơ bản tán thành với báo cáo giám sát. Đi theo đó là phải làm rõ nguyên nhân và mục tiêu tập trung tái cơ cấu từ nay đến 2015 đạt đến đâu”./.