(VOV5)- Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 34, sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13 cho ý kiến về dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, mô hình tổ chức chính quyền địa phương là vấn đề được nhiều vị đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận và ý kiến còn rất khác nhau. Trên cơ sở nghiên cứu tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, tham khảo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, Thường trực Ủy ban pháp luật và cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị 2 phương án về mô hình tổ chức chính quyền địa phương.
|
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý |
Một số ý kiến tán thành với phương án 1, theo đó, ở nông thôn, sẽ tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) tại 3 cấp hành chính là tỉnh, huyện, xã.
Ở các đô thị, chỉ tổ chức HĐND và UBND tại thành phố trực thuộc Trung ương, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương. Còn tại các phường sẽ chỉ tổ chức cơ quan hành chính. Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, ông Ksor Phước đồng tình cao với phương án này vì cho rằng: Ở đô thị, việc tổ chức chính quyền 2 cấp sẽ bảo đảm tính thống nhất, liên thông về quản lý quy hoạch, kết cấu hạ tầng và đời sống dân cư, tinh giản về tổ chức bộ máy.
Tuy nhiên, với quan điểm ở đâu có UBND, ở đâu có chính quyền địa phương thì ở đó phải có HĐND để giám sát hoạt động, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội, ông Phùng Quốc Hiển và một số thành viên khác lại tán thành với phương án 2 là tiếp tục quy định cấp chính quyền địa phương ở tất cả các đơn vị hành chính, cả nông thôn và đô thị.
Chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự án Luật an toàn, vệ sinh lao động/.