(VOV5) - Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được tường thuật trực tiếp trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân cả nước theo dõi.
Tiếp tục phiên họp 36, ngày 15/8, dưới sự Chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) dành cả ngày để tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được tường thuật trực tiếp trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân cả nước theo dõi.
Quang cảnh phiên họp. - Ảnh: quochoi.vn |
Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng các Bộ Kế hoạch Đầu tư; Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn; Bộ Thông tin Truyền thông; Bộ Tư pháp; Bộ Công an; Bộ Xây dựng; Bộ Khoa học Công nghệ; Bộ Lao động Thương binh Xã hội; Bộ Tài chính; Bộ Công thương và Giao thông Vận tải và Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội và UBTVQH về các vấn đề được cử tri quan tâm.
Trả lời chất vấn về chủ trương phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết: "Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 10 nghị định, hơn 100 quyết định về triển khai chủ trương chính sách, chiến lược, quy hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh biển, đảo, cùng nhiều văn bản quy phạm pháp luật và cơ chế, chính sách về khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh: Hiện nay, Việt Nam có 82 cảng cá, 58 khu neo đậu cho tàu thuyền… chúng ta từng bước nâng cấp. Về trang thiết bị, đối với loại tàu dài 24m trở lên đang bắt đầu lắp đắt thiết bị hành trình giám sát; loại dài từ 15 đến 24m sẽ đần được trang bị thiết bị giám sát. Đây là những việc làm rất cụ thể theo Luật Thủy sản để kinh tế biển của Việt Nam phát triển hơn nữa. Ngoài ra, chúng ta đang tập trung các nhóm giải pháp để sớm khắc phục cảnh báo thẻ vàng đối với hoạt động khai thác hải sản của Việt Nam (IUU) để ngành khai thác hải sản Việt Nam hoạt động bình thường trở lại"
Trả lời một số câu hỏi về công tác giảm nghèo, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Công tác giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt kết quả tốt, tỷ lệ giảm nghèo dạt 4-5%/năm, đời sống của đồng bào được nâng lên rõ rệt: Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 – 2025 đã đạt được thành công bước đầu. Vừa qua, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã bố trí 1.000 tỷ cho Đề án này… Như vậy trong thời gian tới, năm 2019-2020, sẽ bắt đầu phân bổ nguồn vốn. Quan điểm của Chính phủ coi đây là điểm nhẩn trong công tác xóa đói giảm nghèo trong vùng đông bào các dân tộc thiểu số. Trong thiết kế Đề án phát triển kinh tế, xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn thông qua ngày 1/8/2019, nêu rất rõ là sẽ xây dựng dựng Chương trình mục tiêu Quốc gia và thiết kế hợp phần riêng cho nhóm đồng bào dân tộc thiểu số ít người.
Cũng tại phiên chất vấn, các Bộ trưởng đã trả lời các câu hỏi liên quan đến 4 nghị quyết về giám sát chuyên đề của UBTVQH về chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2015-2020; Nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao; Nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý và sử dụng vốn vay nước ngoài.
Chiều 15/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018.
Hơn 40 đại biểu đã tham gia chất vấn 15 Bộ trưởng, người đứng đầu các ngành về các vấn đề mà cử tri cả nước quan tâm. Theo đó, những nội dung trong nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được Chính phủ, các bộ, ngành triển khai nghiêm túc, mang lại những kết quả đáng kể, tạo sự chuyển biến trong nhiều lĩnh vực, góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Phát biểu bế mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, thể hiện tinh thần dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, các thành viên Chính phủ, trưởng ngành. Trước mỗi vấn đề bức xúc của người dân, của cử tri, các vị đại biểu Quốc hội đã nghiên cứu kỹ các báo cáo, hỏi thẳng vào vấn đề còn vướng mắc, hoặc chưa được đề cập để làm rõ trong các báo cáo và tích cực tranh luận để đi đến cùng của vấn đề.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim ngân cho rằng: Qua phiên chất vấn và trả lời chất vấn, có thể thấy được bức tranh tổng thể trong việc triển khai các yêu cầu của UBTVQH trong việc thực hiện các nghị quyết giám sát, các kết luận chất vấn có nhiều điểm sáng nhưng vẫn còn nhiều nội dung, nhiều chỉ tiêu, yêu cầu chưa đạt, chưa giải quyết dứt điểm hoặc vẫn còn khó khăn, vướng mắc, cần tiếp tục có giải pháp căn cơ để triển khai, khắc phục. Chủ tịch Quốc hội đề nghị: Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện thể chế, pháp luật, triển khai các đề án cụ thể; hoàn thiện chính sách pháp luật đối với người có công, đồng bào dân tộc thiểu số; Ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với lĩnh vực xây dựng; hoàn thiện các chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; hỗ trợ cho ngư dân và các hoạt động kinh tế biển cũng như các chính sách tháo gỡ cho việc kết nối giao thông; chính sách phát triển bền vững đồng bộ Đồng bằng Sông Cửu Long; chính sách cho phát triển khoa học công nghệ. Tăng cường phối hợp, kết hợp giữa các cơ quan, ban, ngành trong việc triển khai thực hiện các chương trình, đề án; chú trọng tính liên kết ngành trong việc triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội. tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, kiên quyết có các giải pháp để triển khai đúng hạn các yêu cầu của Quốc hội, UBTVQH.
Trước đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan và trực tiếp trả lời chất vấn UBTVQH, các đại biểu.