(VOV5) - Có ý kiến cho rằng sẽ thực tế và khả thi hơn nếu Ban soạn thảo nghiên cứu thu hẹp phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật theo hướng tập trung điều chỉnh đối với một hoặc một số vấn đề của nền hành chính mà chưa được quy định trong các luật khác.
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 3, sáng 18/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật hành chính công. Đây là dự án Luật đầu tiên do một cá nhân đại biểu Quốc hội trình trong lịch sử Quốc hội. Các ý kiến thảo luận đánh giá cao tâm huyết và nỗ lực của đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, đoàn Hà Nội- Trưởng ban soạn thảo vì cho rằng đây là dự án Luật rất khó, phạm vi tác động rộng, liên quan đến toàn bộ nền hành chính nhà nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển. Ảnh: dantri |
Trong thời gian ngắn, Ban soạn thảo dự án Luật đã hoàn thành được khối lượng công việc rất lớn, tiến hành được rất nhiều hoạt động phục vụ việc soạn thảo.Tuy nhiên, qua thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng: Những lý do về sự cần thiết ban hành Luật được nêu trong Tờ trình chưa có tính thuyết phục. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phân tích:“Thực ra việc đổi mới, cải cách hoạt động hành chính của nhà nước chúng ta là một sự cần thiết. Nhưng rõ ràng hoạt động hành chính của nhà nước chúng ta được quy định ở rất nhiều văn bản pháp luật. Vậy luật này có thể bao trùm tất cả vấn đề mà luật khác đã quy định hay không ? Từ đó có thể nói rằng phạm vi mà ban soạn thảo đưa ra là quá rộng, quá sức. Thứ hai là tính thống nhất của Luật này với các luật khác tôi thấy có những cái chồng chéo. Có lẽ luật này mang tính chất liệt kê các đầu việc thôi, cho nên tính cụ thể chưa đảm bảo. Nếu đưa ra thế này thì rõ ràng là tính khả thi là không thực hiện được.”
Có ý kiến cho rằng sẽ thực tế và khả thi hơn nếu Ban soạn thảo nghiên cứu thu hẹp phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật theo hướng tập trung điều chỉnh đối với một hoặc một số vấn đề của nền hành chính mà chưa được quy định trong các luật khác, nhưng phải bảo đảm xây dựng các quy phạm thực chất, cụ thể, chi tiết để có thể áp dụng được trên thực tế.