(VOV5) - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng muốn hoạt động nhà nước lớn mạnh và hoạt động độc lập thì phải đảm bảo điều kiện cho kiểm toán hoạt động.
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 37, sáng 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước.
Quang cảnh phiên họp. - Ảnh: quochoi |
Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng: Thực tế hiện nay, cơ quan thanh tra và kiểm toán nhà nước có vị trí, chức năng, nhiệm vụ khác nhau. Nếu không có sự phối hợp tốt giữa Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan thanh tra sẽ chồng chéo về đối tượng, đơn vị và nội dung thanh tra, kiểm toán, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cản trở sự phát triển.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng muốn hoạt động nhà nước lớn mạnh và hoạt động độc lập thì phải đảm bảo điều kiện cho kiểm toán hoạt động: “Nên quy định kiểm toán có quyền xử phạt hành chính vì phát hiện ra những vi phạm trong mảng của anh mà không được quyền xử phạt thì không có chế tài. Nếu cho rằng không phải cơ quan hành chính nên không có quyền xử phạt thì cũng không đúng. Ví như hiện tòa án có quyền xử phạt vi phạm hành chính tại tòa, hay một số cơ quan khác cũng có quyền như vậy, cho nên nên cho kiểm toán có thẩm quyền xử phạt hành chính”.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng: Trong quá trình kiểm toán, chuyện khiếu nại là bình thường nhưng nếu không thực hiện thì sẽ ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả của kiểm toán. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết: Hiện nay chúng ta có những kênh để kiểm soát Kiểm toán như cơ quan kiểm tra Đảng và trong nội bộ kiểm toán cũng có cơ chế kiểm soát. Đây cũng là một kênh rất dân chủ.
Chiều 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.