(VOV5) - Đại sứ Đặng Đình Quý cho biết Việt Nam đang nỗ lực cùng các nước ASEAN xây dựng khu vực Đông Nam Á hòa bình, ổn định và thịnh vượng.
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc (LHQ), ngày 20/10, có bài phát biểu về vai trò quan trọng của pháp quyền ở cấp độ quốc gia và quốc tế trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền con người, duy trì hòa bình và an ninh quốc tế tại Ủy ban Pháp lý (Ủy ban 6) của Đại Hội đồng (ĐHĐ) LHQ khóa 75.
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ phát biểu tại đề mục về pháp quyền ở cấp độ quốc gia và quốc tế trong khuôn khổ Ủy ban Pháp lý (Ủy ban 6) của Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 75. - Ảnh: baoquocte.vn |
Trước những diễn biến phức tạp hiện nay, đặc biệt là tác động của đại dịch COVID-19, Đại sứ Đặng Đình Quý nhấn mạnh các hoạt động thúc đẩy pháp quyền ở cấp độ quốc gia cần tập trung vào bảo vệ các nhóm người dễ bị tổn thương, bảo đảm công bằng, bình đẳng.
Đại sứ kêu gọi các nước tôn trọng nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế, đề cao vai trò của Tòa án quốc tế và các cơ quan tài phán quốc tế trong giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế và thúc đẩy tuân thủ pháp quyền ở cấp độ quốc tế. Đại sứ khẳng định Việt Nam cam kết tiếp tục đóng góp tích cực, chủ động và có trách nhiệm vào hợp tác với LHQ và các nước để tăng cường pháp quyền ở cấp độ quốc gia và quốc tế.
Về tình hình Biển Đông, Đại sứ Đặng Đình Quý cho biết Việt Nam đang nỗ lực cùng các nước ASEAN xây dựng khu vực Đông Nam Á hòa bình, ổn định và thịnh vượng; đồng thời bày tỏ quan ngại sâu sắc trước các diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, cho rằng các hành động này làm suy giảm lòng tin giữa các nước, gia tăng căng thẳng và ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực. Đại sứ kêu gọi tất cả các bên liên quan tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt Công ước LHQ năm 1982 về luật biển (UNCLOS), thúc đẩy xây dựng lòng tin, kiềm chế các hành động đơn phương làm phức tạp tình hình, gia tăng căng thẳng trên biển, giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế.