(VOV5) - Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ngày 6/4 họp trực tuyến về tình hình Mali. Đây là cuộc họp công khai đầu tiên Việt Nam chủ trì trên cương vị Chủ tịch HĐBA vào tháng 4.
Ngày 6/4, với vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) tháng 4/2021, Việt Nam chủ trì cuộc họp định kỳ của HĐBA để trao đổi và nghe báo cáo của Phó Tổng Thư ký kiêm Đại diện cấp cao về giải trừ quân bị của LHQ Izumi Nakamitsu về vấn đề vũ khí hoá học tại Syria.
Phiên họp trực tuyến của HĐBA LHQ về vấn đề vũ khí hóa học tại Syria. Ảnh: VOV |
Phát biểu tại đây, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, khẳng định lập trường của Việt Nam về lên án hành vi sử dụng vũ khí hoá học và nhấn mạnh việc cần tôn trọng và thực thi đầy đủ Công ước Cấm vũ khí hoá học, hướng tới loại bỏ hoàn toàn vũ khí này.
Đại sứ Đặng Đình Quý khuyến khích Ban Thư ký OPCW và Syria tăng cường hợp tác kỹ thuật và đối thoại mang tính xây dựng. Để tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác Tổ chức Cấm vũ khí hoá học (OPCW) - Syria trong giải quyết các vấn đề tồn đọng, cần tăng cường hợp tác, thống nhất giữa cộng đồng quốc tế tại HĐBA cũng như tại Hội nghị thành viên Công ước Cấm vũ khí hoá học diễn ra tại Hà Lan vào cuối tháng 4 này.
Cùng ngày, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ngày 6/4 họp trực tuyến về tình hình Mali. Đây là cuộc họp công khai đầu tiên Việt Nam chủ trì trên cương vị Chủ tịch HĐBA vào tháng 4.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ Đặng Đình Quý ghi nhận các nỗ lực đạt được thời gian qua của chính phủ chuyển tiếp và các bên liên quan tại Mali. Đại sứ lên án các cuộc tấn công nhằm vào dân thường, binh lính gìn giữ hoà bình LHQ và quan ngại trước việc tình hình an ninh và nhân đạo ngày càng xấu đi. Đại diện Việt Nam kêu gọi tăng cường các nỗ lực thực hiện Hiệp định hòa bình 2015, thực hiện nghiêm túc Luật nhân đạo quốc tế, Luật nhân quyền quốc tế, bao gồm không cản trở các hoạt động nhân đạo và bảo vệ thường dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.
Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của LHQ, Liên minh Châu Phi (AU) và Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) trong hỗ trợ tiến trình hoà bình tại Mali và Lực lượng G5 Sahel chống khủng bố.