(VOV5) - Cần tăng cường đối thoại và hợp tác hơn nữa giữa Nhóm chuyên gia về Nam Sudan (PoE) với Nam Sudan và các nước trong khu vực.
Ngày 18/6, tại Trụ sở Liên hợp quốc, New York, Mỹ, với tư cách Chủ tịch Ủy ban trực thuộc của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) về Nam Sudan (Ủy ban 2206), Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, chủ trì phiên họp của Ủy ban.
Đại sứ, Trưởng phái đoàn VN Đặng Đình Quý. Ảnh: Khắc Hiếu/TTXVN |
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý hối thúc Chính phủ Nam Sudan và các bên liên quan tăng cường hợp tác hơn nữa trong việc triển khai các Nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an, trong đó có Nghị quyết 2577, nhằm hướng tới việc dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với Nam Sudan khi điều kiện cho phép. Ngoài ra, cần tăng cường đối thoại và hợp tác hơn nữa giữa Nhóm chuyên gia về Nam Sudan (PoE) với Nam Sudan và các nước trong khu vực.
Cùng ngày, phát biểu tại cuộc họp của HĐBA LHQ về tác động của vấn đề chiến binh nước ngoài và lính đánh thuê, Đại sứ Phạm Hải Anh, Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, khẳng định ủng hộ việc chấm dứt sự hiện diện của chiến binh nước ngoài và lính đánh thuê ở Libya phù hợp với Thỏa thuận ngừng bắn ngày 23/10/2020 và Nghị quyết 2570 của HĐBA về Libya. Đại sứ kêu gọi tăng cường hơn nữa việc xử lý nguyên nhân gốc rễ của vấn đề này thông qua các biện pháp tăng cường xây dựng lòng tin, thúc đẩy đối thoại, hòa giải, khoan dung, nâng cao hiểu biết và phát triển kinh tế - xã hội cho người dân và cộng đồng. Đại sứ cũng cho rằng cần tăng cường phối hợp giữa LHQ, các tổ chức khu vực, các nước láng giềng và các đối tác liên quan, đặc biệt là hợp tác giữa LHQ và Liên minh châu Phi.
Cũng trong ngày 18/6, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã họp và thông qua Nghị quyết về tình hình ở Myanmar. Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, tái khẳng định quan điểm rõ ràng và nhất quán của Việt Nam về vấn đề này. Đại diện Việt Nam nhắc lại lời kêu gọi tất cả các bên ở Myanmar ngừng ngay bạo lực, khôi phục lòng tin, bắt đầu đối thoại và hòa giải. Cộng đồng quốc tế cần tiếp tục hỗ trợ Myanmar và tạo môi trường thuận lợi cho việc đạt được các mục tiêu này phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.