(VOV5) - Hiện có tới 3 triệu người Việt Nam là nạn nhân chất độc da cam, hàng trăm nghìn hecta đất bị nhiễm độc dioxin...
Ngày 26/5, Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc cùng với Phái đoàn Niger, Costa Rica, Bỉ, Thụy Sỹ, Chương trình Môi trường của LHQ (UNEP) và Tổ chức PAX, tổ chức cuộc Thảo luận trực tuyến với chủ đề “Bảo vệ môi trường trong xung đột vũ trang là bảo vệ thường dân”.
Thảo luận về Bảo vệ môi trường, xung đột vũ trang - Ảnh VOV |
Phát biểu khai mạc, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, nhấn mạnh bảo vệ môi trường là trách nhiệm chung của cộng đồng quốc tế; cho rằng trong xung đột vũ trang, môi trường tự nhiên trở thành nạn nhân, bị tấn công, phá hủy, gây ô nhiễm, tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân, gây ra các hậu quả nhân đạo, sức khỏe công cộng; hậu xung đột. Đại sứ cho rằng việc khắc phục tác động môi trường và phục hồi môi trường tự nhiên là đóng góp vào tái thiết, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, xây dựng hòa bình bền vững.
Đại sứ chia sẻ, chất độc da cam gây hậu quả nặng nề đối với con người và môi trường ở Việt Nam; hiện có tới 3 triệu người Việt Nam là nạn nhân chất độc da cam, hàng trăm nghìn hecta đất bị nhiễm độc dioxin; việc khắc phục hậu quả chất độc da cam cần nhiều nguồn lực và thời gian; Việt Nam cảm ơn sự hỗ trợ của các quốc gia thành viên Liên hợp quốc, các tổ chức Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế trong công tác tẩy độc chất da cam và trợ giúp các nạn nhân.