(VOV5) - Đêm 25/3 theo giờ Việt Nam, tại Trung tâm Hội nghị Diễn đàn Thế giới La Hay (Hà Lan), Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ ba bế mạc với việc thông qua Thông cáo chung của Hội nghị.
Các nhà Lãnh đạo hài lòng ghi nhận hầu hết các cam kết do các thành viên đưa ra tại các hội nghị trước đều đã được thực hiện. Các quốc gia khẳng định cam kết của mình về các mục tiêu chung giải trừ vũ khí hạt nhân, không phổ biến hạt nhân và sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình; tăng cường an ninh hạt nhân, giảm thiểu nguy cơ khủng bố; đề cao trách nhiệm cơ bản của các quốc gia trong bảo đảm an ninh hạt nhân. Hoa Kỳ sẽ là nước chủ trì tổ chức Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ tư vào năm 2016.
|
Ảnh: Nhật Bắc - chinhphu.vn
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự và đóng góp tích cực vào tất cả các hoạt động trong chương trình nghị sự dày đặc của Hội nghị. Đặc biệt, bài phát biểu tại Phiên toàn thể cũng như phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong các phiên thảo luận đã tạo nên ấn tượng sâu sắc, được sự nhất trí và đánh giá cao của các vị lãnh đạo tham dự Hội nghị. Qua đó, thể hiện vai trò của Việt Nam với tư cách là thành viên có trách nhiệm, chủ động và tích cực đóng góp vào nỗ lực chung của nhân loại trong việc bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân. Trước đó, tại phiên thảo luận về “Tương lai cơ chế Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá kể từ khi được khởi xướng năm 2010 đến nay, Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân là diễn đàn cấp cao tập hợp và tăng cường ý chí chính trị cũng như thiện chí hợp tác trong nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam ủng hộ việc định kỳ tổ chức Hội nghị quốc tế cấp Bộ trưởng về an ninh hạt nhân do IAEA tổ chức như đã được tuyên bố tại Hội nghị quốc tế IAEA về an ninh hạt nhân tháng 7/2013 và ủng hộ việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân vào năm 2016.
Trước đó, trong khuôn khổ chương trình tham dự Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân lần thứ 3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiến hành nhiều cuộc tiếp xúc song phương với các nhà lãnh đạo một số quốc gia tham dự hội nghị. Tại cuộc gặp với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, hai bên nhất trí cho rằng với việc thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược năm 2013, quan hệ hai nước đang ở vào thời điểm rất thuận lợi, hội tụ đủ những yếu tố để phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Hai Thủ tướng nhất trí cùng hợp tác chặt chẽ để thực hiện thành công các nội hàm Đối tác chiến lược. Trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với Thủ tướng Đức Angela Merkel, hai Thủ tướng trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương. Hai Thủ tướng trao đổi về một số biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước, trong đó có việc triển khai dự án "Ngôi nhà Đức" tại thành phố Hồ Chí Minh và triển khai giai đoạn 2 dự án xây dựng Tuyến tàu điện ngầm số 2 tại thành phố này. Hai Thủ tướng cũng nhất trí chỉ đạo các cơ quan hữu quan hai nước phối hợp chặt chẽ, xây dựng chương trình phong phú và ý nghĩa để kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Đức vào năm 2015. Tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với Phó Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ chia buồn sâu sắc đến Chính phủ, nhân dân Malaysia và thân nhân, gia đình những hành khách trên chuyến bay MH370. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam luôn sẵn sàng hỗ trợ Malaysia trong hoạt động tìm kiếm hiện nay.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng có cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) José Manuel Barroso. Hai bên trao đổi về tiến trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Hai bên đều đang tập trung nguồn lực để có thể kết thúc đàm phán trước Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác Á - Âu lần thứ 10 (ASEM-10) vào tháng 10 tới như mục tiêu mà hai bên mong muốn. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị ông José Manuel Barroso chỉ đạo các cơ quan của EC tích cực hợp tác, đẩy nhanh việc xem xét công nhận nền kinh tế thị trường đầy đủ của Việt Nam không muộn hơn thời điểm hai bên kết thúc đàm phán EVFTA.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có cuộc hội kiến với Hoàng hậu Hà Lan Maxima. Tại cuộc hội kiến, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác với Hà Lan. Hai nước đã hợp tác tốt đẹp trên những lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu và Hà Lan có thế mạnh, đặc biệt trong 5 lĩnh vực ưu tiên là thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước, nông nghiệp, kinh tế biển, dầu khí và dịch vụ hậu cần. Quan hệ Đối tác chiến lược trên hai lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý nước đang được thúc đẩy hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.