Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Pháp ngữ lần thứ 36

(VOV5) - Hội nghị là dịp để các nước trao đổi về định hướng hợp tác ưu tiên và việc cải tổ quản trị của Pháp ngữ trong thời gian tới.

Hội nghị Bộ trưởng Pháp ngữ lần thứ 36 diễn ra từ ngày 30-31/10, tại Công quốc Monaco, với sự tham dự của hơn 80 đoàn các nước và vùng lãnh thổ là thành viên và quan sát viên của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF). Đoàn Việt Nam do Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp dẫn đầu tham dự Hội nghị.

Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Pháp ngữ lần thứ 36 - ảnh 1Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp. - Ảnh: chinhphu 

Với chủ đề “Hòa giải giữa nhân loại và hành tinh: những triển vọng trong không gian Pháp ngữ”, Hội nghị là dịp để các nước trao đổi về định hướng hợp tác ưu tiên và việc cải tổ quản trị của Pháp ngữ trong thời gian tới, nhằm đưa Pháp ngữ thành một tổ chức hợp tác hiệu quả, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của các nước thành viên. Hội nghị thông qua bốn Nghị quyết về đại dương, về vai trò của đổi mới, sáng tạo trong thúc đẩy khoa học, giáo dục và kinh tế số, về kỷ niệm 30 năm Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em và về kỷ niệm 50 năm sự ra đời Tổ chức quốc tế Pháp ngữ.

Phát biểu tại Hội nghị, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Cộng hòa Pháp Nguyễn Thiệp khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam đối với những nỗ lực chung của Cộng đồng, đặc biệt trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, tăng cường kết nối giữa các khu vực, hợp tác trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững cũng như việc cải cách quản trị và phương thức hoạt động …

Nhấn mạnh hòa bình và ổn định là những điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững, Đại sứ Nguyễn Thiệp kêu gọi Cộng đồng Pháp ngữ tiếp tục có tiếng nói khách quan và ủng hộ nỗ lực của các bên liên quan nhằm đưa Biển Đông thành khu vực hòa bình, ổn định và hợp tác. Đại sứ Nguyễn Thiệp khẳng định với vai trò là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam sẽ nỗ lực góp phần vào việc đảm bảo hòa bình và an ninh trong không gian Pháp ngữ, đặc biệt tại các nước thành viên Pháp ngữ ở châu Phi.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác