(VOV5) - Cam kết giảm phát thải methane toàn cầu có gần 90 quốc gia tham gia ký kết, với mục tiêu cắt giảm 30% lượng phát thải khí methane gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 so với mức năm 2020.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất rút ngắn khoảng cách cam kết giảm phát thải với khoảng cách về trình độ phát triển giữa các nước để đạt trung hoà carbon vì an toàn cho Trái đất và sự thịnh vượng, hạnh phúc của các thế hệ mai sau. ảnh: chinhphu.vn
|
Chiều 02/11 (giờ địa phương), trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP26) tổ chức tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại sự kiện công bố Cam kết giảm phát thải methane (metan) toàn cầu do Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von de Leyen đồng chủ trì. Lễ công bố có sự hiện diện của nhiều nhà lãnh đạo các quốc gia hàng đầu, các tổ chức quốc tế như Thủ tướng Canada, Tổng thống Hàn Quốc...
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao sáng kiến cam kết giảm phát thải khí metan toàn cầu, nhấn mạnh sáng kiến là lựa chọn đúng đắn dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn, là giải pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất về chi phí và lợi ích cho tình trạng khẩn cấp khí hậu hiện nay. Thủ tướng nêu bật hai thông điệp. Đó là, các quốc gia phải đoàn kết, thống nhất, chung tay ngăn chặn, đẩy lùi làm giảm sự gia tăng của khí thải methane; khẳng định đây là vấn đề toàn cầu nên phải có cách tiếp cận toàn cầu; là vấn đề ảnh hưởng đến mọi người dân nên phải có cách tiếp vận toàn dân. Thủ tướng kêu gọi các nước phát triển, nước giàu, nhất là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) chia sẻ, giúp đỡ, ủng hộ các nước đang phát triển, nước nghèo về đào tạo và đổi mới sáng tạo, công nghệ, tài chính, xây dựng thể chế và khoa học quản trị..., qua đó giúp các nước tham gia vào quá trình làm giảm phát thải methane một cách an toàn hiệu quả.
Việc Việt Nam tham gia Cam kết này phù hợp với định hướng chiến lược phát triển bền vững của đất nước và xu thế chung của thế giới. Đồng thời, các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Cam kết sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế về tài chính, chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực, góp phần nâng tính cạnh tranh của nền kinh tế thông qua áp dụng công nghệ mới, ít phát thải metan nói riêng và phát thải khí nhà kính nói chung.
Trước đó, nhận lời mời của Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự sự kiện công bố Tuyên bố Glasgow của các nhà Lãnh đạo về Rừng và sử dụng đất. Với việc thông qua Tuyên bố, hơn 100 nhà Lãnh đạo cam kết ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất rừng và suy thoái đất vào năm 2030, góp phần đạt mục tiêu giữ cho nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5°C, đồng thời hỗ trợ phát triển bền vững, chuyển đổi công bằng ở khu vực nông thôn thông qua các hành động cụ thể, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh quốc gia.