(VOV5) -Việt Nam luôn thực thi nghiêm túc đầy đủ các cam kết của Tổ chức thương mại thế giới cũng như các Hiệp định thương mại tự do đã ký.
Chiều 25/7, tại Họp báo thường kỳ, Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về việc Ấn Độ điều tra áp dụng biện pháp việc chống bán phá giá đối với sản phẩm thép không gỉ của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: “ Việt Nam luôn thực thi nghiêm túc đầy đủ các cam kết của Tổ chức thương mại thế giới cũng như các Hiệp định thương mại tự do đã ký. Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ nói chung, trong đó quan hệ kinh tế, thương mại nói riêng, đang phát triển tươi đẹp, các vấn đề thương mại giữa hai nước cần được xem xét một cách khách quan, công bằng phù hợp với các quy định của thương mại thế giới, các thỏa thuận thương mại song phương và đa phương mà hai nước cùng tham gia, đảm bảo lợi ích chính đáng của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng hai nước".
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trả lời câu hỏi của phóng viên trong nước và quốc tế. -Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Trả lời câu hỏi về các biện pháp của Việt Nam sau khi nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 trong những ngày qua có các hoạt động vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Vụ việc nghiêm trọng này, như đã có nhiều lần khẳng định, Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán như đã được xác lập tại Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Với mục tiêu trên, Việt Nam đã có nhiều hình thức giao thiệp ngoại giao phù hợp, trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các lực lượng chức năng của Việt Nam triển khai các biện pháp phù hợp đúng pháp luật. Duy trì hòa bình, ổn định, đảm bảo tự do hàng không, hàng hải, đề cao thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia như được xác lập tại Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 là lợi ích và trách nhiệm chung của các nước và cộng đồng quốc tế.
Thông tin về hợp tác giữa ASEAN trong việc chống lại rác thải nhựa trên đại dương và quan điểm của Việt Nam về vấn đề này, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: Vào ngày 22/6 vừa qua, tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34, lãnh đạo 10 nước thành viên ASEAN đã nhất trí thông qua Tuyên bố Bangkok về chống rác thải biển ở khu vực ASEAN và Khung hành động ASEAN về rác thải biển. Trong đó, có cam kết về thực hiện các biện pháp cụ thể nhằm ứng phó hiệu quả với tình trạng rác thải biển, trong đó có rác thải nhựa. Việt Nam coi rác thải biển là vấn đề cấp bách toàn cầu, đe dọa nghiêm trọng hệ sinh thái biển; sẵn sàng cùng cộng đồng khu vực và quốc tế xây dựng các cơ chế, quy định nhằm thúc đẩy hợp tác giải quyết về vấn đề rác thải biển. Việt Nam đã và đang huy động sự tham gia của cả xã hội vào phong trào chống rác thải nhựa với mục tiêu không sử dụng đồ nhựa dùng một lần vào năm 2025.
Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết bình luận về tân Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: Quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ đang phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực trong đó có lĩnh vực an ninh quốc phòng. Chúng tôi mong rằng tân Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ sẽ đóng góp tốt vào quan hệ giữa hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng.