(VOV5) - Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức New Zealand (1-3/12), sáng 2/12 tại Auckland, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Muray McCully.
Tại hội đàm, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và giữa các cấp, các địa phương của hai nước; duy trì và phát huy hiệu quả của các cơ chế hợp tác song phương như Tham khảo chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao, Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế và Thương mại Việt Nam - New Zealand, sớm tổ chức kỳ họp lần thứ 6 của cơ chế này tại Việt Nam. Hai bên cũng nhất trí đẩy mạnh hợp tác về thương mại-đầu tư-dịch vụ, phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều 1,7 tỷ USD vào năm 2020 như lãnh đạo hai nước đã đề ra, đưa hợp tác kinh tế trở thành lĩnh vực trụ cột của quan hệ song phương. Hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác nông nghiệp; trong đó New Zealand hỗ trợ đào tạo, chuyển giao công nghệ và kỹ thuật cho Việt Nam nhằm đảm bảo năng suất, chất lượng của các sản phẩm nông nghiệp, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để xây dựng thương hiệu và tăng cường xuất khẩu. Hai bên khẳng định tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc phòng, an ninh, giáo dục, giao lưu nhân dân và lao động. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hiệu quả đường bay thẳng giữa Auckland và Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần tăng cường giao lưu nhân dân, kết nối, thúc đẩy du lịch, học tập giữa hai nước.
Hai bên cũng thảo luận về tình hình khu vực và quốc tế cùng quan tâm; trong đó có những diễn biến mới đây liên quan đến Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và những ưu tiên hợp tác, hỗ trợ Việt Nam tổ chức thành công Năm APEC 2017, đưa APEC tiếp tục là động lực tăng trưởng của khu vực và thế giới.
Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở khu vực; tuân thủ luật pháp quốc tế; tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); kiềm chế không có các hành động làm gia tăng căng thẳng; không sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực.