(VOV5) - Hai bên nhấn mạnh cam kết phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc củng cố đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á...
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Prak Sokhonn - Ảnh: Bộ Ngoại giao |
Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Prak Sokhonn thăm chính thức Việt Nam và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 20 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-Campuchia về Hợp tác Kinh tế, Văn hóa, Khoa học và Kỹ thuật từ ngày 21-22/3.
Sáng nay (21/3), tại Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Prak Sokhonn đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 20 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Campuchia về hợp tác Kinh tế, Văn hóa, Khoa học và Kỹ thuật.
Tại đây, hai bên nhất trí tiếp tục duy trì trao đổi, tham vấn cấp cao và các cơ chế song phương; tăng cường hợp tác an ninh, quốc phòng; đẩy mạnh kết nối giữa hai nền kinh tế; tiếp tục phát huy đà tăng trưởng thương mại, đầu tư song phương.
Hai bên cũng nhất trí tăng cường hơn nữa hợp tác trên các lĩnh vực kết nối giao thông, du lịch, nông-lâm-ngư nghiệp, bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin, lao động, tài nguyên và môi trường..., thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương hai nước và hợp tác trong khuôn khổ Tam giác Phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV); tiếp tục hợp tác hiệu quả trong tìm kiếm, quy tập, hồi hương hài cốt liệt sỹ Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Campuchia. Kỳ họp lần thứ 21 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Campuchia sẽ diễn ra tại Campuchia năm 2024.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Prak Sokhonn tiến hành hội đàm - Ảnh: Bộ Ngoại giao |
Cũng trong sáng nay, tại cuộc hội đàm, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Prak Sokhonn nhất trí thúc đẩy hoàn thành phân giới cắm mốc. Hai bên nhấn mạnh cam kết phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc củng cố đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cũng như tăng cường hợp tác giữa Hiệp hội với các đối tác.
Về vấn đề Biển Đông, hai bên nhất trí khẳng định tầm quan trọng của việc giữ gìn hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực, bảo đảm tự do và an toàn hàng hải, hàng không; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982), thực hiện đầy đủ Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), phấn đấu đạt được Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Động (COC) hiệu quả, thực chất và phù hợp với luật pháp quốc tế.