(VOV5) - Khẳng định quan điểm của Việt Nam, coi việc xác định cơ hội và thách thức trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là con đường nhanh và hiệu quả để tạo bước phát triển đột phá
Diễn đàn mở với chủ đề “ASEAN 4.0: cơ hội cho tất cả”, hoạt động đầu tiên trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN, khai mạc sáng nay tại Hà Nội.
Diễn đàn do Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì với sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp, các thanh niên, sinh viên đại diện cho thế hệ trẻ Việt Nam.
Các đại biểu tham luận tại Diễn đàn.- Ảnh: Lâm Khánh /TTXVN |
Phát biểu tại Diễn đàn, Giáo sư Klaus Schwab, người sáng lập, Chủ tịch điều hành WEF nhấn mạnh, cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra sự khác biệt khi nâng tầm công nghệ một cách toàn diện hơn, làm thay đổi mạnh mẽ các mô hình kinh doanh, sự cạnh tranh của các doanh nghiệp trên toàn thế giới, các nền kinh tế và các xã hội. Điều này đòi hỏi các quốc gia phải thích ứng kịp thời: Trong tương lai, các quốc gia thành công là các quốc gia có thể nắm bắt cơ hội, ưu thế mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại. Để sẵn sàng cho sự thích ứng này, điều kiện tiên quyết là cần ý thức được đúng mức tầm quan trọng của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, huy động mọi nguồn lực để chuẩn bị tốt nhất cho việc nắm bắt các cơ hội. Bên cạnh đó, các quốc gia cần xây dựng những chính sách cần thiết, khuyến khích tinh thần của cộng đồng doanh nhân trong xã hội; cởi mở trước những sự thay đổi.
Khẳng định quan điểm của Việt Nam, coi việc xác định cơ hội và thách thức trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là con đường nhanh và hiệu quả để tạo bước phát triển đột phá, rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển với các nước trên thế giới, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh nhấn mạnh: Thời gian vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã xác định doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, là đối tượng trung tâm của nền kinh tế, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực phục vụ tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững; đồng thời, cũng chủ động tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đến nay, Việt Nam đã cơ bản hình thành, phát triển được hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tương đối hoàn chỉnh, bước đầu thu hút được một số nguồn lực phát triển trong nước và quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh mong muốn, được tăng cường trao đổi, đối thoại và nhận được sự chia sẻ, ủng hộ, hợp tác từ các nhà lãnh đạo, chuyên gia, doanh nghiệp của WEF về các giải pháp, chương trình hành động thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ trong ASEAN, tăng cường năng lực liên kết giữa các nước ASEAN về đổi mới sáng tạo để phát huy tốt nhất những thời cơ, ứng phó hiệu quả với những thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tại Diễn đàn mở, các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp, các thanh niên, sinh viên đã tập trung trao đổi và thảo luận những ý tưởng, sáng kiến nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các nước ASEAN và các đối tác toàn cầu để đưa khu vực Đông Nam Á thực sự trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chủ động kiến tạo, làm chủ và khai thác hiệu quả các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.