(VOV5) - Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 26/11, tại Hà Nội, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình thông tin cụ thể với đại diện các cơ quan báo chí về việc Việt Nam và Campuchia khởi công xây dựng các cột mốc 30 và 275 trên tuyến biên giới hai nước.
|
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình phát biểu. (Ảnh: TTXVN) |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết: hai cột mốc này nằm trong gói giải pháp tổng thể gồm 3 mốc: 30, 275 và 314 và được 2 bên ký trong bản ghi nhớ ngày 23/4/201: Ngày 20/11/2015 hai bên đã khởi công xây dựng 3 công trình là cột mốc 30, 275 cũng như đoạn đường 450 mét. Việc xây dựng 2 cột mốc này đánh dấu giai đoạn quan trọng trong công tác phân giới cắm mốc, hướng tới xây dựng một đường biên giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa 2 nước Việt Nam và Campuchia”.
Liên quan đến vụ việc Hoa Kỳ ngày 18/11 vừa qua đã tiến hành điều tra chống bán phá giá mặt hàng ống thép cuộn các-bon đối với 5 nước, trong đó có Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nêu rõ: “Chúng tôi xin khẳng định các công ty của Việt Nam hoạt động sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường, không nhận trợ cấp của chính phủ Việt Nam và không bán phá giá mặt hàng ống thép cuộn cácbon vào thị trường Hoa Kỳ. Việc Bộ Thương mại Hoa kỳ quyết định tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng này là không có cơ sở. Bộ Thương mại Hoa Kỳ cần nhìn nhận và xử lý vấn đề này một cách khách quan và công bằng trên tinh thần tự do hóa thương mại phù hợp với các cam kết tự do hóa thương mại đa phương cũng như phù hợp với quan hệ kinh tế thương mại đnag phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ”.
Về phản ứng của Việt Nam đối với phiên điều trần đang diễn ra tại tòa án trọng tài thường trực của Liên hợp quốc về vụ kiện của Philippin đối với Trung Quốc liên quan đến Biển Đông, người phát ngôn Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Là quốc gia liên quan trực tiếp đến tranh chấp trên Biển Đông, lập trường nhất quán của Việt Nam là luôn theo đuổi và ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Trên tinh thần đó, Việt Nam tiếp tục cử đoàn với tư cách quan sát viên đến dự phiên tranh tụng về nội dung thực chất của vụ kiện trọng tài giữa Philíppin và Trung Quốc diễn ra từ ngày 24 đến 30/11/2015.
Liên quan đến việc Trung Quốc vừa điều tàu hậu cần tới khu vực xây dựng trái phép trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Người phát ngôn Lê Hải Bình khẳng định Việt Nam luôn quan tâm và theo dõi mọi hoạt động của các bên ở Biển Đông. Việt Nam cho rằng các hoạt động này cần bảo đảm nguyên tắc tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, cũng như tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).