(VOV5) - Ngày 9/5, ông Võ Công Chánh, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng, chính thức có văn bản phản đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 và các tàu bảo vệ hoạt động trong vùng biển Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng. Văn bản nêu rõ: Vị trí hoạt động của giàn khoan HD 981 của Trung Quốc đặt tại toạ độ 15'29 độ vĩ bắc, 111'12 độ kinh đông từ ngày 2/5/2014 đến nay nằm hoàn toàn trong vùng biển Hoàng Sa, trong phạm vi quản lý của chính quyền UBND huyện Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng.
|
Giàn khoan 981 của Trung Quốc. Ảnh: laodong.com.vn |
Là cơ quan hành chính địa phương được Nhà nước giao quản lý huyện đảo Hoàng Sa, chúng tôi cực lực phản đối phía Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế; vi phạm các nguyên tắc và thỏa thuận giải quyết vấn đề trên biển; làm xấu đi quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc và các địa phương của hai bên. Chúng tôi kiên quyết yêu cầu phía Trung Quốc tôn trọng và thực hiện nghiêm túc, vô điều kiện Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông năm 2002 (DOC), các thỏa thuận có liên quan giữa lãnh đạo cấp cao hai nước; rút ngay giàn khoan HD981 và các tàu của họ ra khỏi vùng biển của Việt Nam; giải quyết mọi mâu thuẫn, tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình.
Trong khi đó, phát biểu tại cuộc gặp với Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, nhân chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam, Thượng nghị sỹ Pháp Team-Claude Peyromelt hoàn toàn nhất trí với quan điểm của Việt Nam trong vấn đề giải quyết vụ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 trên vùng biển Việt Nam bằng biện pháp ngoại giao hòa bình, trên cơ sở Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982. Khẳng định cộng đồng quốc tế không để Trung Quốc biến Biển Đông thành biển nội địa của mình.
Liên minh Châu Âu (EU) ngày 9/5 lên tiếng lo ngại và sẽ theo dõi sát sao tình hình Biển Đông. Trả lời phỏng vấn Phóng viên Đài TNVN, ông Sébastien Brabant, Phó phát ngôn viên của Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu Catherine Ashton, khẳng định Liên minh châu Âu rất lo ngại về những sự cố liên quan đến Trung Quốc và Việt nam về hoạt động của giàn khoan HD981 của Trung Quốc: “Chúng tôi đặc biệt lo ngại rằng những hành động đơn phương có thể ảnh hưởng đến môi trường an ninh trong khu vực, mà minh chứng là qua những báo cáo gần đây về đụng độ giữa tàu của Trung Quốc và Việt nam. Chúng tôi yêu cầu các bên liên quan tìm kiếm những giải pháp hòa bình và hợp tác phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là phù hợp với Công ước của LHQ về luật biển; cũng như yêu cầu các bên tiếp tục đảm bảo việc đi lại tự do và an toàn của tàu bè. Chúng tôi cũng kêu gọi các bên liên quan tiến hành các biện pháp giảm căng thẳng và kiềm chế mọi hành động đơn phương có thể đe dọa đến hòa bình và ổn định trong khu vực. Liên minh châu Âu sẽ theo dõi sát sao những diễn biến tiếp theo tại khu vực.”
Cùng ngày, trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại New Delhi, Tiến sĩ Subhash Kapila, chuyên nghiên cứu các vấn đề chiến lược của Nhóm Phân tích Nam Á (SAAG), khẳng định: Thái độ ức hiếp và chính sách “bên miệng hố chiến tranh” của Trung Quốc là hành động khiêu khích và vô trách nhiệm. Ông cho rằng hành động này không phù hợp với một thế lực tự nhận là “cổ đông có trách nhiệm” đối với an ninh và ổn định của châu Á. Theo Tiến sĩ Kapila, an ninh và ổn định hàng hải để mang lại hòa bình và ổn định tại khu vực Biển Đông cần nỗ lực chung của ASEAN, cũng như cộng đồng khu vực cùng với Mỹ và các nước châu Á-Thái Bình Dương. Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Ấn-Việt bang Tây Bengan Geetesh Sharma cũng kêu gọi Bắc Kinh thể hiện sự kiềm chế và tiến hành thương lượng theo luật quốc tế./.