Thanh Vân -  
(VOV5) - Đã gần 1 năm nay, những bạn trẻ trong nhóm cơm 5000 đồng của Thành Trung đã không quản vất vả để làm ra những suất cơm miễn phí phát cho những bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện K và xóm chạy thận (Bạch Mai).
Mong chờ ngày thứ bảy
Cứ đến ngày thứ bảy, các bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện K không ai bảo ai đều có ý ngóng các bạn trẻ trong nhóm cơm 5000 đồng. Những suất cơm không chỉ giúp cho họ vơi bớt khó khăn mà quan trọng hơn đã tiếp cho họ sức mạnh tinh thần để chiến thắng bệnh tật hiểm nghèo, để họ cảm nhận được sự ấm áp của tình người và thêm niềm tin vào cuộc sống.
|
Người nhà bệnh nhân xếp hàng để nhận những
suất cơm miễn phí tại bệnh viện K |
Đến hẹn lại lên khoảng 9h30p thứ bảy hàng tháng, các thành viên trong đội phát phiếu đến Bệnh viện K (HN). Họ nhanh chóng tỏa đến các phòng phát phiếu nhận cơm miễn phí cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Cầm tờ phiếu có bệnh nhân lén lau dòng nước mắt. Họ cảm động khi thấy xã hội còn rất nhiều người tốt và cảm thấy cuộc sống này còn đáng sống lắm. Chỉ là một tờ giấy nhỏ nhưng nó không còn là vật vô tri vô giác nữa mà thấm đậm tình người. Hơn 10h cơm được chở tới. Lúc này, người nhà bệnh nhân nghèo đã tập trung ở dưới sân. Họ tự động xếp hàng chờ đến lượt nhận những suất cơm miễn phí. Chỉ chưa đầy nửa tiếng đồng hồ, 270 suất cơm miễn phí đã được phát hết veo. Một số bệnh nhân nhận được suất cơm ngồi ăn ngon lành ngay tại ghế đá của bệnh viện. Bà Nguyễn Thị Lành (Phổ Yên, Thái Nguyên) cho biết: “Đây là lần thứ 3 tôi nhận được suất cơm miễn phí. Suất cơm rất đầy đặn, đủ dinh dưỡng và ăn khá ngon miệng. Do các bạn chỉ phát vào thứ bảy hàng tuần nên số tiền tiết kiệm được không nhiều, nhưng giá trị tinh thần mà các bạn mang lại cho những bệnh nhân đang ốm đau rất lớn. Ông nhà tôi từ khi tiếp xúc với các bạn trẻ không nằng nặng đòi về không chịu điều trị như trước nữa. Ông ấy chăm chỉ uống thuốc và làm theo những dặn dò của bác sĩ”. Bác Đinh Văn Tráng (Yên Sơn, Tuyên Quang) chia sẻ: “Giữa trưa hè nắng nóng nhìn các bạn trẻ mồ hôi mồ kê nhễ nhại đứng phát cơm cho người nghèo, miệng luôn nở nụ cười khiến tôi thấy rất cảm động. Tôi tin rằng những người chứng kiến hành động đẹp mắt của các bạn trẻ sẽ sống hướng thiện hơn. Mong rằng chỗ nào trong cuộc sống cũng có những hành động nhân ái như vậy để con người sống với nhau tốt đẹp hơn”.
Ngoài phát cơm miễn phí tại Bệnh viện K, nhóm còn phát từ 40-50 suất cơm cơm miễn phí cho những bệnh nhân nghèo tại xóm chạy thận (Bạch Mai, HN). Không những thế, cơm 5.000 đồng còn tổ chức những chuyến đi tặng quà cho trẻ vùng cao.
Nhóm chúng ta là một gia đình
Trưởng nhóm cơm 5.000 đồng là Nguyễn Thành Trung (người Quảng Ninh). Nhìn Trung tự tay sơ chế thức ăn rồi vào bếp đun nấu chẳng nề hà việc gì ít ai ngờ trước đây Trung là một công tử con nhà giàu với thú vui là du lịch và mua sắm. Học đại tại Hà Nội ra trường đi làm một thời gian tự nhiên Trung thay đổi tâm tính, muốn làm điều gì đó có ý nghĩa cho người nghèo. Thấy trong TP. HCM và miền Trung có mô hình quán cơm 2.000 đồng, 5.000 đồng, Trung lặn lội vào trong đó học hỏi. Tuy nhiên, do mô hình đó không phù hợp triển khai tại Hà Nội, Trung đã tự làm theo ý mình. Ban đầu, Trung vận động người thân, bạn bè mỗi người góp một ít từ gạo, mắm đến nồi niêu, bếp ga… làm ra những suất cơm bán với giá 5.000 đồng cho những bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Hoạt động ở đây được một thời gian nhóm bị gây khó dễ phải chuyển đến Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội). Thời gian đó 2 tuần một lần nhóm mới đến phát cơm miễn phí tại Bệnh viện K. Bán ở Bệnh viện Thanh Nhàn được mấy tháng, Trung nhận thấy những bệnh nhân ở đây không thực sự khó khăn nên từ đầu năm tới nay, nhóm “dồn sức” phát cơm miễn phí cho bệnh nhân nghèo tại Viện K. Sau gần 1 năm hoạt động, nhóm được mọi người biết đến nhiều hơn. Những người có thời gian rỗi vào cuối tuần đăng ký làm tình nguyện viên của nhóm. Người bận rộn không tham gia được thì ủng hộ bằng vật chất để nhóm có quỹ hoạt động. Hiện, Trung đã về Quảng Ninh tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình. Trung lại vừa lấy vợ. Công việc bận rộn thế nhưng cứ chiều thứ sáu hàng tuần, Trung bắt xe lên Hà Nội để chuẩn bị cho công việc.
Thành viên của nhóm ngoài 5-6 người chủ chốt, hàng tuần đều có những tình nguyện viên đủ các lứa tuổi đăng ký tham gia. Chị Vũ Bích Thủy (Đặng Xá, Gia Lâm, HN), một thành viên gắn bó với nhóm từ những ngày đầu cho biết, cứ chiều thứ 6 là chị phóng xe từ Gia Lâm đến Xã Đàn 2 để chuẩn bị cho việc chợ búa, nấu nướng. 22h30, các thành viên đi chợ đêm Long Biên để mua rau củ quả tươi ngon với giá rẻ, sau đó vòng về Ngã Tư Sở mua thịt. Thực phẩm mua về được sơ chế qua để buổi sáng nấu nướng. “Công việc mệt nhưng rất vui. Bất kể là việc gì, từ nhặt rau, nấu nướng đến dọn dẹp, ai cũng lăn xả vào làm, không sợ bẩn, không tính toán thiệt hơn. Cả nhóm chúng tôi coi nhau như người thân trong gia đình” – chị Thủy cho hay. Anh Nguyễn Thế Phượng (Móng Cái, Quảng Ninh) đang học tại Hà Nội, một trong những thành viên chủ chốt của nhóm, cho biết: “Nhóm hoạt động không vì mục đích lợi nhuận nên các thành viên của nhóm nấu cơm cho những bệnh nhân nghèo như nấu cho người thân trong gia đình mình ăn. Từ khi tham gia hoạt động của nhóm, tôi thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn”./.
Thanh Vân