(VOV5) -Bếp cơm “Từ Tâm” đang truyền đi giá trị lớn hơn cả hành động “Lá lành đùm lá rách”: đó là tấm long của người nghèo vì người nghèo.
Từ 5 tháng nay, “cơm thiện nguyện” đã trở nên quen thuộc với các bệnh nhân nghèo điều trị tại Viện Y học phóng xạ và Ung bướu Quân đội, quận Hoàng Mai (Hà Nội). Chỉ đơn giản với vài ba món chay và cơm trắng, những “đầu bếp” cao tuổi đến từ miền Tây của bếp cơm “Từ Tâm” đang truyền đi giá trị lớn hơn cả hành động “Lá lành đùm lá rách”: đó là tấm long của người nghèo vì người nghèo.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Hà Nội một ngày tháng tám oi ả. Ông Út Chứ để đầu trần, đèo gần 100 suất cơm chay trên chiếc xe máy cà tàng chạy thẳng vào sảnh chờ Viện Y học phóng xạ và Ung bướu Quân đội, số 18 đường Định Công Thượng (Hoàng Mai, Hà Nội). Cái dáng lom khom, gầy gò, đen nhẻm đặc trưng người miền Tây của ông đã quá quen với các y bác sĩ, nhân viên và bệnh nhân nghèo nơi đây.
“Cô chăm em gái ở viện đã hơn 4 tháng. Cơm từ thiện rất ngon, đảm bảo vệ sinh. Cô thường xuyên nhận phiếu để ăn. Lần đầu cô mới thấy bệnh viện phát cơm thế này. Cô thấy tình người Việt Nam cao cả quá. Tất cả mọi người nghĩ đến nhau trong lúc bệnh tật”.
Các cô ở bếp Từ tâm chuẩn bị cho bữa trưa- Ảnh Bạch Hà |
Bốn tháng chăm bệnh nhân cũng là bốn tháng cô Trần Thị Rinh, người Nam Định nhận phiếu ăn của nhóm cơm thiện nguyện mà ông Út Chứ là một thành viên. Tháng 4 năm 2019, ông cùng các đồng hương người An Giang là bà Sáu Nhãn, bà Sáu Giàu và bà Út Xuân ra Bắc để thành lập bếp ăn với tên gọi giản dị “Từ Tâm”. Ông bà thuộc nhóm từ thiện Trại cơm tập thể số 4 trong miền nam chuyên nấu cơm chay miễn phí phục vụ bà con có hoàn cảnh khó khăn. Do quen với cô Phan Bính, một đại úy quân đội nghỉ hưu ở Hà Nội, các cụ người sáu chục, người bảy mươi vui vẻ nhận lời mời ra miền Bắc mấy tháng để nấu và phát cơm cho bệnh nhân nghèo mặc dù chính họ cũng là những người nghèo còn phải lo toan “cơm áo gạo tiền” cho bản thân và gia đình. Cũng may, mọi chi phí hoạt động của bếp đều do các “mạnh thường quân” ở An Giang lo. Còn các cụ chỉ cần đóng góp “kinh nghiệm” và “tấm long”.
Nói về cuộc sống của mình, ông Út Chứ nhoẻn cười tâm sự: "Út có 3 đứa con. Cuộc sống còn bấp bênh, mạnh ai nấy lo, nhưng hai vợ chồng già vẫn đi làm từ thiện, không ngại gì hết trơn. Được mời đi Út rất phấn khởi, mọi người ai cũng có tâm trạng như vậy với tâm niệm giúp ích cho xã hội. Mọi người không sợ thức khuya, không sợ cực khổ, cứ 3 giờ sáng là dậy nấu nướng. Nóng oi bức phải ráng chịu, nhiều khi lạnh cũng vẫn đi. Út coi công việc như của gia đình mình, người bệnh như thân nhân. Giúp được gì thì giúp, không ngại ngần trơn trọi gì hết. Kia kìa, hỏi cái bà nấu chính xem. Bà đấy nấu ngon lắm”.
“Bác nấu mười mấy năm rồi. Mấy ngày đầu khi ra đây phải để ý khẩu vị miền Bắc để thay đổi khẩu vị cho hợp. Các món cũng thay đổi thường xuyên để cho bệnh nhân không ngán. Thường thì tàu hũ sốt cà chua, nấm đùi gà, rau xanh, cơm…Mình nấu ít ngọt hơn trong Nam. Mỗi ngày nấu tầm từ 6 đến 8 kí gạo, theo phiếu của bệnh viện.” Bà Út Xuân bếp trưởng nói.
Ông Út Chứ và một bạn tình nguyện viên đi phát cơm- Ảnh Bạch Hà |
Bà Út Xuân chịu trách nhiệm về nấu các món chính. Trong khi bà Sáu Giàu chuẩn bị đồ sơ chế và bà Sáu Nhãn chịu trách nhiệm chung về mua nguyên liệu. Mỗi người một nhiệm vụ nhưng đều đặn sáng nào họ cũng dậy từ 3-4 giờ sáng để chuẩn bị đồ ăn. Đến 9 giờ sáng gần 100 suất ăn phải sẵn sàng để ông Út Chứ cùng một thanh niên tình nguyện chở ra viện và phát cơm.
Bếp ăn là khu trọ gồm hai phòng cấp bốn dùng để nghỉ ngơi, một phòng vệ sinh và sân nấu. Tuy vất vả và nơi ăn nghỉ không đầy đủ tiện nghi nhưng các thành viên cao tuổi của bếp ăn vẫn luôn vui vẻ. Gần 30 chục năm đi làm từ thiện cùng Trại cơm tập thể số 4 với việc nấu cơm chay và cấp thuốc nam miễn phí cho người bệnh có hoàn cảnh khó khăn mang cho họ niềm vui rất đỗi bình dị. Bà Sáu Nhãn chia sẻ: “Đây nhé. Trại cơm có buổi nấu mấy trăm bàn. Cái thùng gạo nó to thế này cơ mà. Đây con xem, bàn ăn trải dài cả đoạn dài. Vui lắm.”
Phiếu phát cơm từ thiện |
Trong dự án đầy ý nghĩa này, không thể không nhắc đến vai trò của cô Phan Bính. Cô chính là người đề xuất thành lập bếp ăn từ thiện cho bệnh nhân tại Viện Y học phóng xạ và Ung bướu Quân đội, xuất phát từ ý nguyện học tập mô hình của Trại cơm tập thể số 4 để xây dựng quán cơm chay Tùy Hỉ tại Hà Nội. “Đây là tiền đề để tới đây cô mở quán chay Tùy Hỉ, tức là khách vãng lai có thể đến ăn tùy bụng mà trả tiền tùy tâm, bên cạnh đó là phòng chẩn trị đông y khám chữa bệnh hoàn toàn miễn phí. Quán cơm chay là phục vụ bệnh nhân tại chính phòng khám này và thêm nhiều bệnh viện ở Hà Nội.”
Bài hát về miền Tây sông nước phát từ chiếc đài cũ kĩ ở cuối dãy khu trọ vang ra tận cổng khi chúng tôi chia tay các thành viên bếp ăn “Từ Tâm”. Những khúc hát về miền đất của những con người chất phác, giản dị như ông Út Chứ, bà Sáu Giàu, bà Sáu Nhãn và bà Út Xuân quyện với mùi thức ăn đậm tình miền Tây như níu chân những ai đã gặp và tiếp xúc với những con người tuy nghèo vật chất nhưng “giàu” lòng nhân ái.