(VOV5)- Vui và hạnh phúc nhất là khi thấy những ánh mắt trẻ thơ sáng lên, những nụ cười rạng rỡ của các mẹ, các chị, các em khi nhận những món quà tết. Trải nghiệm những khó khăn, thiếu thốn cùng bà con vùng cao, các thầy cô giáo cắm bản, các chiến sĩ biên phòng để thấy cuộc sống ý nghĩa biết bao là cái được lớn nhất trong các chuyến đi làm từ thiện của các phóng viên Hệ Phát thanh Đối ngoại-Đài Tiếng nói Việt Nam.
Để chuẩn bị cho chương trình tặng quà và biểu diễn văn nghệ phục vụ đồng bào nơi biên giới vào dịp cuối năm, ngay từ đầu năm Hệ Phát thanh Đối ngoại đã phát động phong trào quyên góp, theo đó mỗi cán bộ, phóng viên bỏ lợn 2.000 đồng/ngày. Như vậy với tổng số trên trăm người, nếu bỏ lợn đều đặn thì mỗi năm Hệ cũng quyên góp được hơn 70 triệu đồng. Cộng với sự tài trợ bằng hàng hóa từ Công ty TH True Milk, sự đóng góp của các cá nhân, bà con Việt kiều, các doanh nghiệp, Hệ Phát thanh Đối ngoại cũng có khoản tài chính kha khá để sắm quà tết cho bà con vùng biên và học sinh các điểm trường gần biên giới. Đầu tháng 12, các đoàn viên thanh niên của Hệ bắt tay vào mua sắm vở, chăn bông, áo ấm, khăn mũ, bánh kẹo, mì tôm, mì chính, đường, năm trước còn cả bình lọc nước, nồi cơm điện ... Việc mua sắm cũng tỉ mẩn lắm bởi ai cũng mong muốn rằng các vật dụng, hàng hóa phải thiết thực nhất với bà con, các cháu học sinh và các điểm trường. Các cuộc điện thoại được tới tấp trao đi, đổi lại với Ủy ban nhân dân xã để có thể mua được áo ấm theo kích cỡ cho các lứa tuổi từ mầm non, tiểu học đến THCS. Cuối tháng 12 hoặc đầu tháng 1, khi tất cả công việc chuẩn bị hoàn tất, đoàn lên đường. Năm nay, đích đến của đoàn là xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang-địa đầu của tổ quốc. 400 phần quà cho học sinh và 100 phần quà cho các hộ nghèo đã được đóng gói cẩn thận để xe tải chở lên trước.
|
Những em thiếu nhi hớn hở nhận quà tặng của đoàn |
Xín Cái giá buốt nhưng ấm áp tình người
Sau khi vượt qua không biêt bao nhiêu khúc cua tay áo, những đoạn đường trong mây với tầm nhìn xa 1m, đoàn chúng tôi cũng đến được xã Xín Cái, giáp biên giới. Mưa rả rích kéo dài, Xín cái đang trong đợt giá rét nhất từ đầu đông (3 độ ban ngày, 0 độ về đêm). Đã chuẩn bị tâm thế, vậy mà khi xe dừng lại trước cổng Ủy ban nhân dân xã, vừa mở cửa bước xuống, cái lạnh giá đã ập đến khiến mọi thành viên trong đoàn không khỏi ngỡ ngàng. Ngồi trong hội trường Ủy ban Nhân dân xã Xín Cái, mặc dù nhà bê tông, cửa kính, mà như ngồi ngoài sân, gió lùa hun hút khiến cả đoàn rét run lập cập. Xín Cái có 19 thôn với gần 500 hộ gia đình thì có đến 46% hộ nghèo. Bà con đa số là người dân tộc Dao, Mông, Tày, Lô Lô. Trong 6 thôn mà đoàn dự kiến tặng quà, có thôn chẳng thể tiếp cận được bằng ôto vì mưa mấy ngày liền, đường đất lầy lội, trơn trượt. Để kịp trao quà trong buổi chiều, các thành viên trong đoàn chia thành nhóm, nhóm trao quà cho trường học gần Ủy ban Nhân dân, nhóm thanh niên mang vác hàng đến các thôn khó tiếp cận. Tại nhà văn hóa thôn Lùng Vần Chải, các cháu lớp mầm non đã chờ sẵn. Nhìn những khuôn mặt nhem nhuốc một cách ngộ nghĩnh, má hồng rực vì nẻ của các cháu, nghe tiếng chào lảnh lót từ những cái miệng xinh xinh, giá rét dường như tan biến. Những chiếc áo ấm, những bloc sữa nhanh chóng được chuyển cho các cháu, những chiếc chăn và túi quà gồm mì ăn liền, mì chính, nước mắm được trao tận tay các hộ nghèo, các cô giáo. Niềm vui và hạnh phúc tràn đầy khi chúng tôi thấy những ánh mắt trẻ thơ sáng lên, những nụ cười rạng rỡ của các mẹ, các chị, các em khi nhận những món quà. Nhóm cũng nhanh chóng trao quà cho các cháu học sinh bán trú người dân tộc tại trường THCS gần đó. Nhìn 2 cháu học sinh vừa đi thi học sinh giỏi cấp huyện về, co ro trong chiếc áo đồng phục mỏng, bên trong chỉ mặc một chiếc áo phông cộc tay, dưới cái lạnh 3 độ, mà thấy buốt trong lòng.
Đêm tối xuống thật nhanh, mưa vẫn lúc khoan lúc nhặt. Cuối cùng thì nhóm đi trao quà ở các thôn xa cũng về đến đồn biên phòng Săm Pu. Trong lúc cả đoàn tranh thủ ăn cơm thì hội trường của đồn biên phòng Săm Pu đã đông chật các cháu học sinh, các thầy cô giáo và bà con. Các chiến sĩ biên phòng phải bố trí thêm ghế nhựa mà vẫn có người phải đứng ở phía sau. Thế mới biết, bà con không chỉ thiếu về vật chất, còn thiếu cả các món ăn văn hóa, tinh thần. Những tiết mục của các phóng viên nhà Đài, các bạn trẻ Vietcombank, của các thày cô giáo và chiến sĩ biên phòng, dù có đôi chỗ lạc nhịp, đôi lúc quên lời, vẫn được bà con hưởng ứng nồng nhiệt.
Những hy sinh thầm lặng, những câu chuyện cười ra nước mắt
Trong câu chuyện bên mâm cơm chiều tại đồn biên phòng Săm Pu, Phó bí thư xã Nguyễn Văn Đức tâm sự: “Xã Xín Cái nghèo lắm, bởi toàn núi đá, địa hình ghập ghềnh, đường đi cách trở”. Anh Đức và cả chính trị viên đồn biên phòng Săm Pu, Lục Văn Phong đều nói rằng điều các anh băn khoăn nhất là những điểm trường và đời sống các thầy cô giáo cắm bản. Hai anh kể câu chuyện về những điểm trường chỉ là chiếc lán quây bằng ván gỗ hoặc bằng liếp được chia làm 2, một bên là lớp học, một bên là nơi ở của các thầy cô giáo. Bởi thế mà 2 thầy cô, thầy thì có vợ ở dưới xuôi, cô chưa có gia đình, phải ngăn chăn ở giữa giường để ngủ. Rồi có những cô giáo ở dưới xuôi (đối với bà con nơi đây, thành phố Hà Giang đã được coi là dưới xuôi rồi) lên cắm bản, có điện thoại di động muốn gọi điện về nhà cũng phải đi vài cây số ra nơi có sóng. Ngay tại trung tâm của xã Xín Cái, dù điều kiện sinh hoạt đầy đủ hơn, song đời sống bà con cũng vất vả, khó khăn những lúc nhiệt độ xuống âm độ, nước sinh hoạt đóng băng trong đường ống. Thôi thì nhịn tắm vài ngày, chờ đến khi trời ấm lên, nước chảy trở lại. Và còn nhiều câu chuyện, thoạt nghe thấy buồn cười rồi lại ứa nước mắt.
Trải nghiệm để thấy cuộc sống ý nghĩa
Đêm ở đồn biên phòng Săm Pu, nhiệt độ xuống 0 độ. Các thành viên trong đoàn chúng tôi được các chiến sĩ biên phòng nhường phòng ngủ. Chính trị viên Lục Văn Phong ưu ái bố trí cho trưởng đoàn ở phòng của một đồng chí phó chỉ huy đồn biên phòng đang đi công tác trên huyện. Phòng có cửa kính song cũng chẳng ngăn được cái rét ập vào. Nằm trong chăn mà run lập cập, chân lạnh buốt. Cứ co dần chân để tìm hơi ấm cho đến khi cuộc tròn như con tôm. Bất chợt, gió rít từng cơn, giật tung cả cửa. Lại lồm cồm dậy chặn cửa, rồi chui vội vào chăn tìm chút hơi ấm. Nằm nghe gió rít, tiếng mưa lộp bộp mà nghĩ miên man. Nghĩ đến các hộ nghèo đêm nay có thêm chăn ấm vào đúng ngày đông lạnh giá nhất, nghĩ đến các cháu có thêm một chiếc áo ấm, mà thấy chuyến đi thật ý nghĩa. Rồi lại thấy đồn biên phòng Săm Pu vẫn là xa xỉ nếu so với đồn biên phòng ở tít trong rừng, quây bằng ván gỗ ghép chẳng được khít, gió lùa từng cơn, mà đoàn chúng tôi đã từng ở trong chuyến đi trước. Rét chẳng ngủ được, lại nghĩ về câu chuyện chiều nay bên mâm cơm về hai thầy, cô giáo phải ngăn chăn ở giữa để ngủ. Những sự hy sinh thật khó nói thành lời.
Xín Cái! Bây giờ lại có thêm một vùng đất nữa để đăm đắm nghĩ đến mỗi khi nghe đài báo gió mùa đông bắc tràn về./.