Phóng viên: Thưa Thượng tọa, được biết những năm gần đây, Hội Sự Nghiệp Từ Thiện Minh Đức đã có nhiều chương trình hỗ trợ đồng bào nghèo ở các địa phương. Nguồn lực để thực hiện những chương trình được huy động như thế nào?
Thượng tọa Thích Giải Hiền: Hôm nay tôi rất vinh dự được đến để trả lời phỏng vấn của Đài TNVN. Hội Sự Nghiệp Từ Thiện Minh Đức đã trải qua một chặng đường 13 năm. Các chương trình hoạt động từ thiện hàng năm của Hội chia làm hai giai đoạn. Những chương trình đầu tiên thì toàn bộ nguồn lực chủ yếu là các Phật tử ở Đài Loan và Phật tử ở nước ngoài hỗ trợ. Những năm sau đó, sang giai đoạn thứ hai cho đến nay, nguồn lực của Hội có được từ sự đóng góp của các Phật tử Đài Loan và các Phật tử ở nước ngoài, còn một nửa là sự tham gia phát tâm của các Phật tử ở trong nước. Hai nguồn lực này đã tạo nên nguồn kinh phí hoạt động của Hội Hội Sự Nghiệp Từ Thiện Minh Đức 13 năm qua.
|
Thượng tọa Thích Giải Hiền trong một hoạt động thiện nguyện |
Phóng viên: Thưa Thượng tọa, những nội dung nào được Hội Sự Nghiệp Từ Thiện Minh Đức quan tâm thực hiện qua các chương trình này?
Thượng tọa Thích Giải Hiền: Trong chương trình hoạt động của hội hiện nay, Phật tử nước ngoài tham gia nhiều nhất là các chương trình khám bệnh, phát thuốc, tặng quà nhân đạo hàng năm bởi vì chương trình này cần một nguồn kinh phí rất lớn, đem đến cho đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn một cơ hội được tiếp xúc với các phương tiện y tế hiện đại. Rất nhiều Phật tử ở Đài Loan và các nước Âu Châu như Anh, Đức, rồi Australia, Cộng hòa Séc đều trở về để cùng với Hội tham gia chương trình này.
Phóng viên: Thượng tọa có thể sơ lược chương trình hoạt động 13 năm qua khi mà Hội Sự nghiệp từ thiện Minh Đức triển khai ở Việt Nam như thế nào?
Thượng tọa Thích Giải Hiền: Cho đến nay, mỗi năm, Hội đều có trung bình từ 10 đến 12 chương trình từ thiện trải dài trong các tháng. Trong đó, có chương trình cần vận động khoảng từ 2 đến 3 tỉ đồng. Đó là Chương trình khám bệnh, phát thuốc, mổ mắt, chữa răng, làm răng giả, phát quà, tặng xe lắc, ghế bại não cho quy mô là 4600 đồng bào nghèo trong toàn một huyện. Hội chọn những huyện nghèo nhất trong các tỉnh mà Hội đặt chân đến để phục vụ cho toàn thể đồng bào, nhân dân cùng các em học sinh.
|
Khám răng cho đồng bào nghèo ở Thah Hóa |
Các chương trình khám bệnh với quy mô nhỏ cho khoảng từ 1500- 2000 người ở các vùng sâu xa hơn nữa, thì quy mô chương trình dưới một tỷ trở lại. Còn các chương trình dàn trải, mỗi chương trình khoảng chừng 100 triệu đến 200 triệu như “Trung thu dành cho các em nhỏ ở vùng sâu vùng xa, vùng biên giới”, mỗi năm hai lần, một lần ngoài Bắc, một lần trong Nam và chương trình “Mùa đông không lạnh” ở vùng biên giới là cung cấp áo ấm, phương tiện cần thiết cho các trường học ở vùng sâu vùng xa. Ngoài ra chương trình chăm sóc bệnh nhân tâm thần định kỳ hàng năm, chương trình “ba người một cuộc đời”. Hội chu cấp để nuôi những gia đình đặc khó khăn suốt đời. Trong mấy năm nay, Hội nuôi các gia đình ở huyện Triệu Phong, thuộc tỉnh Quảng Trị. Gia đình đó có hai ông cụ trên 90 tuổi, bà cụ trên 80 tuổi phải nuôi ba người con gái đều bị điên hết. Hội sẽ nuôi toàn bộ gia đình họ cho đến khi nào họ không còn trên cõi đời này nữa. Hoặc là ở huyện Thạch Thành ở tỉnh Thanh Hóa có gia đình cha mẹ mất hết, chỉ còn bốn chị em, người chị cả bị bệnh ung thư nhưng phải nuôi ba người, trong đó hai người em trai và một người cháu trai bị tàn tật. Hội chu cấp cho họ hàng tháng và nuôi đến chừng nào họ không còn nữa thì thôi. Một gia đình khác ở xã Phúc Trạch, Huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh nuôi bà cụ và hai đứa con của người con trai bà bị tai nạn lao động, nằm một chỗ. Hội chu cấp cuộc sống và việc học hành cho hai cháu gái đến khi các cháu trưởng thành thì kết thúc. Những chương trình như vậy luôn luôn được duy trì trong suốt một thời gian dài, bền bỉ, với một tâm niệm là giúp cho họ thay đổi được cuộc sống từ khi họ có nhân duyên được gặp hội.
|
Xe lăn dành tặng cho người tàn tật |
13 năm qua, tôi cùng các Phật tử, các y bác sĩ trong Hội và những tình nguyện viên luôn cố gắng duy trì như vậy. Rất mừng là qua 13 năm , 18 chương trình lớn, đặt chân qua 18 tỉnh, chương trình mổ mắt của Hội đến hôm nay, tỷ lệ thành công là 100%. Tất cả những người được mổ mắt đều nhìn thấy ánh sáng trở lại.
Phóng viên: Như Thượng tọa vừa cho biết, Hội đã tổ chức các hoạt động từ thiện cả trên diện rộng, đồng thời quan tâm rất nhiều đến những cá nhân rất cụ thể. Mỗi chương trình lớn với nguồn kinh phí từ 2 đến 3 tỷ, các chương trình nhỏ cũng dưới 1 tỉ đến hàng trăm triệu. Điều gì tạo ra sức hút, uy tín để Hội có thể hội tụ được nguồn lực cả về phương diện vật chất và nhân lực khi thực hiện các chương trình ở Việt Nam?
Thượng tọa Thích Giải Hiền: Thưa anh, từ ngày thành lập Hội cho đến nay, tôi cùng các vị lãnh
Thượng tọa Thích Giải Hiền hiện là giảng viên Học viện Phật Giáo tại Hà Nội, Hội trưởng Hội Sự Nghiệp Từ Thiện Minh Đức, trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm, tỉnh Thanh Hóa
đạo trong Hội đều tuân thủ một trong các nguyên tắc sau đây, đó là: minh bạch về tài chính, chuyên khoản, chuyên dùng. Với các đối tượng được trợ giúp, tuân thủ nguyên tắc: điển hình và kịp thời. Từ nguyên tắc được tuân thủ đấy thì dần đã tạo nên một niềm tin đối với các vị y, bác sĩ , thiện nguyện viên, Phật tử và các nhà hảo tâm khi người ta tham gia đóng góp, và người ta thấy được rằng đồng tiền của họ Hội đã sử dụng rất minh bạch, rất cụ thể. Họ cúng vào việc gì thì mình sử dụng vào việc đấy. Thêm nữa, các đối tượng Hội phục vụ chọn các điển hình và đã không giúp thì thôi, đã giúp thì phải cấp thời và nhanh chóng nhất. Những việc làm đó đã dần dần tạo nên niềm tin đối với các Phật tử, các thiện nguyện viên và các nhà hảo tâm. Người ta luôn hoan hỉ để góp sức với Hội, với cá nhân thượng tọa trong suốt 13 năm qua.
Phóng viên: Xin cảm ơn Thượng tọa và chúc cho hoạt động từ thiện của Hội ngàỳ càng đạt được nhiều thành tựu.