|
(Ảnh: Internet) |
(VOV5) - Xin nói đôi lời về khái niệm Tết, chữ Tết và lễ Tết ở Việt Nam, một phong tục, một mỹ tục của người Việt từ ngàn đời nay. Tết là dịp người Việt tụ hội, sum họp, cúng gia tiên, dâng lễ thánh thần, ăn uống và vui vẻ nên khái niệm Tết đồng nghĩa với những gì vui. Người Việt có câu thành ngữ “Vui như Tết” là vì vậy.
Theo các nhà nghiên cứu dân tộc học, Tết xuất xứ từ chữ hán đọc theo âm Hán Việt là Tiết, có nghĩa là đốt tre đốt trúc, mở rộng nghĩa là một phiến đoạn thời gian trong năm. Cư dân nông nghiệp trồng lúa nước thời xa xưa chia thời gian thành hai phần chính: phần thời vụ và phần nông nhàn. Phần thời vụ thì “nông vụ chí kỳ” không còn thì giờ để sum họp, sắp đồ cúng lễ gia tiên, đãi đằng nhau, gặp gỡ nhau. Chính vì lẽ đó trong những lúc nông nhàn, người Việt đặt ra nhiều ngày Tết, phần lễ là phần cúng bái tổ tiên, gia tiên, thánh thần. Nói một cách khái quát, Tết chỉ những ngày lễ được phân bổ theo thời gian trong năm đan xen giữa các khoảng trống thời vụ. Đây là dịp để người Việt hưởng thú thanh nhàn trong những lúc nông nhàn. Tết trong một năm quan trọng nhất là Tết nguyên đán. Nguyên đán là buổi sáng đầu tiên của một năm âm lịch. Người Việt mong mỏi những ngày đầu tiên ấy là những ngày đẹp trời, những ngày lòng người vui vẻ, thanh thản, cuộc sống no ấm hạnh phúc, trong ấm ngoài êm. Sau ba ngày Tết Nguyên đán là tới Tết khai hạ, nghĩa là Tết hạ cây nêu; khai hạ có nghĩa mở ra một ngày vui, một năm vui. Sau Tết khai hạ là Tết thượng nguyên, rằm tháng giêng. Đây là một ngày lễ trọng của đạo Phật cũng là đạo phổ biến của cư dân nông nghiệp, là đức tin cổ truyền của người nông dân Việt. Dân gian có câu “Đi lễ quanh năm không bằng ngày rằm tháng giêng” để nói về ngày “lễ trọng” của đạo Phật. Sau những ngày Tết đầu năm âm lịch kể trên, còn hàng loạt ngày Tết trong hệt hống Lễ Tết của người Việt như Tết hàn thực (mồng ba tháng ba), ăn đồ lạnh, bánh trôi bánh chay; Tết đoan ngọ vào ngày mồng năm tháng năm âm lịch- mùa hè, Tết trung thu – rằm tháng tám âm lịch dành riêng cho trẻ con… Tết Nguyên đán và các ngày Tết trong tháng giêng là vui nhất, ngày xưa các cụ ta có câu “tháng giêng là tháng ăn chơi”.
Có một đặc điểm chung của ngày Tết ở Việt Nam là phần lễ cúng ông bà tiên tổ, sau là phần gia đình sum họp ăn uống vui vẻ với nhiều loại thực phẩm hàng ngày hiếm có. Cùng với hệ thống lễ hội ở Việt Nam, hệ thống lễ Tết ở Việt Nam thể hiện tình cảm cộng đồng dân tộc sâu sắc, nối kết giữa các thế hệ, nối kết giữa quá khứ và hiện tại, giàu ý nghĩa nhân văn và văn hóa Việt.
Đào Dục Tú