(VOV5) - Báo cáo đã chỉ rõ những dấu mốc phát triển quan trọng của đất nước.
Báo cáo của Ban chấp hành trung ương khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII tại phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam sáng 26/1, về phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ Đại hội XIII và những năm tiếp theo, đã chỉ rõ những dấu mốc phát triển quan trọng của đất nước như đến năm 2025 - là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; Đến năm 2030 - là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045 - trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Nội dung này được các chuyên gia và giới phân tích đánh giá cao.
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong - Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: "Những điểm nhấn đó chúng tôi cho rằng rất cần thiết, rất phù hợp và đúng đắn; đồng thời cần phải được thực hiện tốt bởi sự đồng bộ các giải pháp cũng như quán triệt đầy đủ, sâu sắc nhận thức từ các cấp, các ngành và được cụ thể hóa thành các chương trình, dự án phát triển trong thời gian tới. Trong vấn đề nhân lực, chúng tôi lưu ý nhân lực không còn chỉ là vấn đề của lao động mà nhân lực còn bao gồm cả những người làm lãnh đạo, làm quản trị, trong đó có cả những người tham gia vào làm công tác hội nhập.. và đây là một trong những điểm nhấn mới rất đáng lưu ý trong Đại hội XIII".
Ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu, Quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng bên cạnh việc kế thừa, báo cáo tiếp tục có những điểm mới gắn với những đòi hỏi của sự phát triển, thể hiện rõ sự “đột phá trong đột phá”.
Ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu, Quản lý kinh tế Trung ương - Ảnh: baodautu.vn |
Ông Thành nói: "Có thể nói việc tiếp tục lựa chọn ba vấn đề cơ bản nhất để tạo sự đột phá cho sự phát triển thì tôi nghĩ vẫn là đúng và trúng, đó là thể chế, đó là nguồn nhân lực, đó là hạ tầng. Thế nhưng ở đây đã có những điểm mới, hay gọi là đột phá trong đột phá cũng được. Với thể chế thì bên cạnh việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập những chuẩn mực tốt nhất thì đó còn là gắn với bộ máy, với các cơ quan nhà nước phải minh bạch, chuyên nghiệp, dựa trên thực tài, luật lệ… thì tôi cho đấy là những điểm rất mới. Với hạ tầng thì không chỉ là những công trình lớn mà chúng ta ưu tiên tập trung vào tạo ra nền tảng tốt cho phát triển mà còn gắn với hạ tầng số, với những đổi mới sáng tạo rất quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số hiện nay. Với nguồn nhân lực thì không chỉ là chất lượng theo nghĩa chung mà còn gắn với kỹ năng, gắn với tầng lớp có tài năng để phù hợp với những đòi hỏi mới, nhất là những đòi hỏi mới về chuyển động thể chế nhà nước và đổi mới sáng tạo".