(VOV5) - EVFTA có tầm quan trọng hơn bao giờ hết trong bối cảnh các cuộc chiến tranh thương mại và đại dịch Covid-19.
Hãng thông tấn AP của Mỹ ngày 8/6 đã có bài viết có tựa đề “Việt Nam phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do với EU nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”. Bài viết đưa ra nhận định, EVFTA được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam tăng cường tính cạnh tranh và sức hút với các nhà đầu tư nước ngoài.
Cho đến nay, trong khu vực Đông Nam Á, ngoài Singapore, mới có thêm Việt Nam đạt được Hiệp định thương mại tự do với EU. AP cũng dẫn lời ông Michael Sieburg, đối tác của YCP Solidiance – hãng tư vấn chiến lược chuyên về châu Á thuộc tập đoàn YCP Group – nhận định: “EVFTA sẽ trở thành động lực tích cực thu hút các nhà sản xuất tới Việt Nam. Nhờ có EVFTA, các nhà sản xuất muốn đặt cơ sở sản xuất trong khu vực và tìm kiếm cơ hội tiếp cận tốt hơn tới thị trường châu Âu sẽ muốn tìm đến Việt Nam hơn”.
Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) ngày 8/6 cũng ra tuyên bố đánh giá cao Hiệp định thương mại giữa EU và Việt Nam: “EVFTA có tầm quan trọng hơn bao giờ hết trong bối cảnh các cuộc chiến tranh thương mại và đại dịch Covid-19 khiến các hoạt động thương mại bình thường bị đứt gãy ở quy mô chưa từng có tiền lệ”.
Trong khi đó, nguyên Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam Bruno Angelet nhận định: “Hiệp định EVFTA đánh dấu cột mốc mới trong mối quan hệ bền vững và “đơm hoa kết trái” mà các thành viên EU và Việt Nam đã được hưởng trong hơn 3 thập kỷ qua. Trong thời gian đó, Việt Nam đã trải qua mức tăng trưởng kinh tế rất đáng chú ý.
Cũng đề cập Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), tờ Express.co.uk của Anh lại đưa ra những thông tin chi tiết hơn về những điều khoản đáng chú ý của Hiệp định này cũng như những tác động chính của EVFTA đối với cả Việt Nam và các đối tác châu Âu. Theo đó, sau khi EVFTA được phê chuẩn, Việt Nam sẽ trải qua giai đoạn chuyển tiếp khoảng 10 năm đối với các sản phẩm nhập khẩu từ EU vào nước này. Ngược lại, Hiệp định EVFTA sẽ tạo điều kiện cho EU tăng cường tiếp cận các dịch vụ của Việt Nam, trong đó có ngành bưu chính, ngân hàng, vận tải thuỷ và mua sắm công.