(VOV5) - Các doanh nghiệp ở Đắk Lắk đã có kinh nghiệm trong việc đưa sản phẩm nông sản chinh phục tại nhiều thị trường khác nhau, trong đó có EU.
Hiệp định thương mại đầu tư Việt Nam-Liên minh Châu Âu (EVFTA) đã chính thức có hiệu lực từ 1/8/2020. Cùng với chính phủ, các bộ, ban ngành, bản thân các doanh nghiệp Việt đã có sự chuẩn bị kỹ càng, tích cực chuyển mình cùng EVFTA, nhằm đón những cơ hội từ hiệp định này mang lại.
Dây chuyền đóng bao sản phẩm của công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (Simexco Đắk Lắk). - Ảnh: vov.vn |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Là doanh nghiệp chuyên kinh doanh, xuất khẩu các mặt hàng cà phê, hồ tiêu và một số nông sản trên địa bàn Tây Nguyên, công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đak Lak (Simexco Đak Lak) trong suốt thời gian qua đã cơ bản nghiên cứu kỹ thị trường thế giới, nắm bắt các nhu cầu tùy từng địa bàn. Trong đó, doanh nghiệp này xác định Châu Âu là thị trường tương đối khắt khe, đòi hỏi nghiêm ngặt tiêu chuẩn sản phẩm, liên quan đến hàng rào kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường sản xuất….
Cùng với việc đưa ra các cảnh báo giúp các địa phương, doanh nghiệp và người dân thay đổi thói quen sản xuất, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường, công ty đã liên kết chặt chẽ với hàng trăm hộ nông dân, hướng dẫn, hỗ trợ sản xuất cà phê, hồ tiêu đáp ứng theo yêu cầu thị trường và thu mua sản phẩm phục vụ thị trường xuất khẩu vào EU. Do vậy, theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc dự án cà phê bền vững, công ty Simexco Đak Lak, EVFTA có hiệu lực, thì các rào cản kỹ thuật, những đòi hỏi đặt ra từ thị trường EU đã không còn là vấn đề quá khó với doanh nghiệp: “Doanh nghiệp đã rất quan tâm đến vấn đề này, khi mặt hàng nông sản của Việt Nam đi vào thị trường này sẽ dễ dàng hơn, được ưu đãi nhiều hơn. Tuy nhiên, đối với các nước nhập khẩu thì đòi hỏi chất lượng rất là khó cho nên đòi hỏi ngành nông nghiệp của Việt Nam cũng như Simexco đã phải xây dựng một vùng nguyên liệu để làm sao đáp ứng được các tiêu chuẩn. Đặc biệt là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vào thị trường Châu Âu”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (hàng đầu, thứ 2 từ phải sang) và các đại biểu cấp cao thăm gian hàng cà phê An Thái, Đắk Lắk tại hội chợ, triển lãm Trung Quốc - ASEAN lần thứ 13. - Ảnh: vov.vn |
Là địa phương có lợi thế trong sản xuất các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực như cà phê, hồ tiêu, cao su, hạt điều, tinh bột sắn, mật ong …các doanh nghiệp ở Đắk Lắk đã có kinh nghiệm trong việc đưa sản phẩm nông sản chinh phục tại nhiều thị trường khác nhau, trong đó EU là một trong những thị trường uy tín được các doanh nghiệp sớm chú trọng.
Với kinh nghiệm xuất khẩu cà phê rang xay và hoà tan nhiều năm, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển cà phê An Thái đã và đang không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, nhãn mác bao bì cũng như sớm chú trọng thực hiện truy suất nguồn gốc thông tin chất lượng để phát triển sản phẩm tại thị trường EU nhất là khi hiệp định EVFTA mở ra.
Ông Nguyễn Xuân Lợi, Giám đốc công ty cổ phần đầu tư và phát triển cà phê An Thái, cho biết: “Đây là cơ hội để doanh nghiệp bước vào thị trường khó tính hơn. Tuy nhiên cũng gặp không ít khó khăn bởi doanh nghiệp chúng ta có thể nói có bề dày nhưng so với các doanh nghiệp cà phê trên thế giới thì họ còn mạnh hơn mình rất nhiều. Chính vì thế chúng ta đang phải chiến đấu với những gã khổng lồ. Trong những năm qua doanh nghiệp phải liên tục đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động và đặc biệt chú trọng chất lượng để đáp ứng nhu cầu hội nhập”.
Không chỉ các doanh nghiệp nông sản, các doanh nghiệp dệt may, da giầy, thủy sản, đồ gỗ…, những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam nhiều năm qua, cũng đang tích cực, chủ động tận dụng các cơ hội từ EVFTA, tập trung phát triển khâu cung ứng vật tư, nguyên liệu đầu vào, chuẩn bị về nhân lực, khoa học kỹ thuật…Để hỗ trợ doanh nghiệp, các cơ quan chức năng Việt Nam chủ động triển khai nhiều giải pháp giúp doanh nghiệp hiểu rõ quy tắc xuất xứ hàng hóa, xem đây là yếu tố then chốt để được hưởng thuế suất ưu đãi. Cẩm nang hướng dẫn doanh nghiệp về EVFTA do Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát hành gần đây là một ví dụ. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết: “Với mong muốn giúp các doanh nghiệp có giảm bớt khó khăn trong hành trình tìm hiểu các cam kết cốt lõi nhất về Hiệp định EVFTA, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã tiến hành biên soạn Cẩm nang hướng dẫn doanh nghiệp về EVFTA. Cẩm nang này gồm nhiều chuyên gia biên soạn không chỉ dựa trên các kiến thức chuyên sâu mà còn cả kinh nghiệm phong phú trong quá trình tư vấn doanh nghiệp FTA nói chung trong nhiều năm qua”.
Tín hiệu tích cực chỉ trong tháng đầu thực hiện EVFTA, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đã đạt kim ngạch gần 280 triệu USD, tăng khoảng 10% so với tháng trước. 126 tấn gạo thơm đầu tiên của Việt Nam cũng vừa được xuất khẩu sang EU với thuế suất 0% vào ngày 22/9 vừa qua... Những kết quả ban đầu này là tương đối khả quan, nhất là trong bối cánh thị trường vẫn còn rất khó khăn do dịch COVID-19 và EVFTA vẫn còn rất mới mẻ với đa số các doanh nghiệp. Với thị trường lớn và tiềm năng, EVFTA đang mở ra cánh cửa rộng cho doanh nghiệp Việt. Hành trình dấn thân của doanh nghiệp ra thị trường EU chắc chắn sẽ không dễ dàng, song với sự quyết tâm, kiến thức thị trường cùng sự hậu thuẫn từ các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp Việt tự tin sẽ có chỗ đứng vững chắc trên thị trường EU.