50 năm - Nhạc kịch Cô Sao

(VOV5) - Sau 36 năm, kể từ lần công diễn cuối cùng vào năm 1976 tại Nhà hát lớn Hà Nội, vở nhạc kịch Cô Sao của nhạc sĩ Đỗ Nhuận mới được phục dựng lại và ra mắt công chúng yêu nhạc hàn lâm Việt Nam.

50 năm - Nhạc kịch Cô Sao  - ảnh 1

                                            


Vở nhạc kịch Cô Sao ra đời cách đây tròn 50 năm. Lần đâu tiên vở nhạc kịch được trình diễn ở Nhà hát lớn Hà Nội vào tháng 9 năm 1965, đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập nước VN dân chủ Cộng hòa . Và lần thứ 2 được biểu diễn sau ngày đất nước thống nhất năm 1976, đồng thời được lưu diễn ở một số tỉnh thành phố: Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh. Kể từ đó đến nay, một số Aria trích trong các vở nhạc kịch của nhạc sĩ Đỗ Nhuận được thu thanh và phát trên sóng Đài TNVN và được nhiều thế hệ nghệ sĩ Việt Nam biểu diễn ở trong nước và ở nhiều nước trên thế giới. Còn toàn bộ vở nhạc kịch thì cho mãi tới tận bây giờ, sau 50 năm, tác phẩm mới được Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam dàn dựng và công diễn cũng là dịp kỷ niệm 90 năm Ngày sinh cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, con trai cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận cho biết: Do công tác lưu trữ, bảo quản và do thời tiết nền tác phẩm gần như không còn nguyên vẹn, bản thân tôi và các đồng sự phải mất 1 năm trời để phục dựng lại tác phẩm. Bản gốc chép tay tổng phổ của nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã thất lạc. Trong khi đó, bản ghi âm hiện cũng chỉ còn lại vài aria. May mắn, trong quá trình nỗ lực tìm kiếm, tôi đã phát hiện ra bản nháp bằng bút chì chép tay của ông. Nên đã tiến hành khôi phục tổng phổ “Cô Sao” từ bản chép tay đó, trên cơ sở đối chiếu lại với những gì hiện còn lưu giữ để phục dựng lại.


Trong hành trình đi tìm kiếm để phục dựng lại vở nhạc kịch nổi tiếng trong di sản âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết, ông ngạc nhiên và khâm phục cha mình. Bởi khi đó, nhạc sĩ Đỗ Nhuận mới 40 tuổi, nhưng đã viết 1000 trang tổng phổ, hơn thế, tự tay phối khí cho dàn nhạc giao hưởng - điều mà ít nhạc sĩ có thể làm được. Ông còn là tác giả của ca từ, kịch bản, thậm chí còn vẽ phác thảo bằng bút chì một số cảnh trong vở nhạc kịch và vẽ chân dung các nhân vật chính theo cách nghĩ của ông. Chia sẻ với báo giới, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cho rằng: Đây là một cuộc tôn vinh một nhạc sĩ vĩ đại của Việt Nam. Khi sinh thời nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã chia sẻ rằng ông cố gắng viết những vở opera Việt Nam, đầu tiên là Cô Sao viết về vùng múi phía Bắc, Người tạc tượng viết về khu 5, Nguyễn Trãi ở Đông Quan cho vùng đồng bằng, ước nguyện cuối cùng viết cho miền Nam. Nhưng nghệ thuật thì dài lâu mà đời người thì có hạn cho nên ông đã không để lại tác phẩm lớn cho miền Nam. Sau này có các thế hệ đàn em, trong đó có nhạc sĩ Ca Lê Thuần viết Người giữ Cồn. Đây là sự nối tiếp dòng chảy của âm nhạc bác học  Việt Nam. Riêng về vở Cô Sao thì tôi may mắn được nói chuyện nhiều với tác giả nên hiểu rằng ở đó bên cạnh những giá trị nghệ thuật, âm nạc thì nó còn ẩn chứa yếu tố tâm linh(liên quan đến đạo Mẫu Việt Nam) mà chúng tôi mong muốn các nghệ sĩ sẽ xuất thần để có thể lột tả được hết điều tác giả muốn gửi gắm trong tác phẩm.


36 năm - cho lần trở lại này để thấy, đó là nỗ lực rất cao của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam và Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam và cả của ekip thực hiện khi quyết tâm dàn dựng và công diễn lại vở nhạc kịch được coi là di sản âm nhạc đỉnh cao của Việt Nam. Còn với nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, ông kỳ vọng và tin tưởng vào các đồng nghiệp và nhất là sự sáng tạo của thế hệ nghệ sĩ trẻ.Còn đạo diễn trẻ Huyền Nga - Nhà hát Nhạc Vũ Kịch cũng không khỏi băn khoăn trăn trở khi nhận trọng tách này: Đây là một vinh dự lớn cho tôi nhưng cũng đặp lên vai tôi nhiều trọng trách và cả áp lực. Tuy chưa có nhiều kinh nghiệm, nhưng bằng tình yêu nghề và những cố gắng tôi tin mình sẽ làm tốt trách nhiệm được giao.


Lần công diễn thứ 3 này, không chỉ có sự phối hợp giữa Hội Nhạc sĩ Việt Nam với hai đơn vị âm nhạc hàng đầu Việt Nam là: Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia và Nhà hát Nhạc Vũ Kịch, mà còn có sự cộng cảm và chịu trách nhiệm chỉ huy dàn nhạc của Nhạc trưởng Tetsuji Honna – người Nhật Bản. Các nhân vật chính sẽ do các nghệ sĩ: Hà Phạm Thăng Long vai Cô Sao (soprano), Mạnh Dũng (bariton) vai người tù chính trị Hồng Hà, Mạnh Đức (bass) vai cụ già người Mông... Ca sĩ Hà Phạm Thăng Long cho biết: Đây là vở opera Việt Nam nên khi hát rất khó thể hiện bởi dấu giọng của tiếng Việt, nên phải dùng những kỹ thuật thanh nhạc để xử lý. Tuy nhiên với trách nhiệm nghệ nghiệp Thăng Long luôn nỗ lực hết mình để có thể hoàn thành vai diễn.


50 năm - Nhạc kịch Cô Sao  - ảnh 2

Việc vở nhạc kịch Cô Sao của nhạc sĩ Đỗ Nhuận được phục dựng lại và công diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội là một sự kiện quan trọng trong đời sống âm nhạc nước nhà đúng vào dịp kỷ niệm 55 năm thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Nhấn vào file để nghe âm thanh:

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác