(VOV5) - Nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, mời quý vị và các bạn cùng nghe những thanh âm trong trẻo, ngợi ca những người làm công tác giáo dục Việt Nam.
Nghe âm thanh tại đây:
“Ngày quốc tế hiến chương các nhà giáo” ra đời năm 1957 từ Hội nghị quốc tế các nhà giáo họp tại Vacsava - Ba Lan. Ngày này được tổ chức lần đầu tiên ở miền Bắc nước ta vào ngày 20/11/1958. Năm 1982, Hội đồng Bộ trưởng quyết định lấy ngày 20/11 làm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Quyết định có ý nghĩa quan trọng, thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam về vị trí, vai trò của các nhà giáo trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo. Trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, cùng với sự phát triển của đất nước, Những người làm công tác giáo dục đã góp phần không nhỏ đào tạo nên những lớp người kế cận có trình độ tri thức có uy tín ở trong nước và ở nước ngoài. Song hành cùng với bước phát triển của ngành giáo dục, xuất hiện ngày một nhiều các tác phẩm văn học, nghệ thuật ca ngợi các nhà. Riêng mảng ca khúc, các thế hệ nhạc sĩ cũng đã cho ra đời hàng trăm tác phẩm dưới nhiều góc nhìn, cách cảm khác nhau, dâng tặng cho đời những giai điệu hay, góp phần tạo động lực, niềm tin để các thế hệ Nhà giáo Việt Nam tiếp tục cống hiến tâm lực của mình vì một nền giáo dục Việt Nam hội nhập và phát triển. Chúng ta có thể kể tên những ca khúc được nhiều người biết đến và yêu thích như: Bài ca người giáo viên Nhân dân của Hoàng Vân, Ước mơ xanh của Phạm Tuyên, Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi của Văn Ký, Bụi Phấn của Vũ Hoàng, Ngày đầu tiên đi học của Nguyễn Ngọc thiện, Trường làng tôi của Phạm Trọng Cầu, Tháng năm học trò của Nguyễn Đức Trung, Khi tóc thày bạc trắng của Trần Đức .v.v Nhạc sĩ trẻ Vũ Duy Hiếu, giảng viên Trường âm nhạc quốc tế MusicLight chia sẻ cảm xúc của mình: "Mỗi người chúng ta đều có cách hoàn thiện riêng cho cuộc đời của mình. Trong những bước đi đó, đều có bóng dáng của những người Thầy, người Cô. Tôi xin cảm tạ những người Thầy, người cô đã dìu dắt tôi cũng như cho các thế hệ học trò của mỗi chúng ta để chúng ta không chỉ hiểu về những bài học phổ thông mà còn hiểu sâu hơn về sự cân bằng những mảng màu âm thanh của cuộc sống. Để tôi hiểu cuộc đời tôi là một tác phẩm nghệ thuật. Xin được gửi tới các Thầy Cô, bạn bè tôi tác phẩm tôi vừa hoàn thành nhân Ngày nhà giáo Việt Nam".
Đề tài về Thầy giáo, Cô giáo và mái trường là một đề tài rộng và hấp dẫn giới văn nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật. Chính vì thế mà những tác phẩm về đề tài này luôn được các nhạc sĩ khai tác ở nhiều góc cạnh khác nhau mang đến cho công chúng những sáng tác mới với những ngôn ngữ biểu đạt mới, phù hợp với hơi thở thời đại. Mỗi ca khúc là một câu chuyện được các nhạc sĩ phác hoạ một cách sinh động bằng những ngôn ngữ biểu đạt, tiết tấu, giai điệu khác nhau, tuy nhiên tất cả những tác phẩm ấy đều chung một mục đích đó là ca ngợi công ơn trời biển của các thế hệ Thầy giáo, cô giáo trong công tác giáo dục, ươm những tài năng tương lai cho đất nước. Chúng tôi mời quý vị và các bạn cùng nghe tâm sự của nhạc sĩ trẻ Cao Tâm, đồng thời cũng là một Thầy giáo tâm huyết với nghề: "Bản thân vừa là nhạc sĩ lại là giáo viên, ngày trọng đại của những ai đang làm trong ngành giáo dục. Nghề Thầy giáo là người ươm mầm tài năng, lúc rảnh tôi thường trò chuyện với các em động viên các em mỗi khi gặp khó khăn phải tự tin vững bước vượt qua. Không hiểu sao mỗi khi đứng lớp, nhìn thấy nụ cười của các em khiến tôi quên đi ưu phiền... Mong rằng những giai điệu trong ca khúc Tự hào bài ca giáo viên nói thay lời tâm sự của các thế hệ những người làm công tác giáo dục với những thế hệ học trò của mình".