Ca sĩ Tuấn Hiệp: Mang âm nhạc để xoa dịu những nỗi đau
Bảo Trang -  
(VOV5) - "Tôi đã đi từ sự hồi hộp này đến sự hồi hộp khác, đi từ sự trông ngóng này đến sự trông ngóng khác. Và giờ đây, tất cả đã cởi mở thực sự. Có thể nói, âm nhạc đã xoa dịu những nỗi đau..."
Nếu nói đến những ca sĩ nổi tiếng nhưng luôn đứng ngoài những ồn ào của giới showbiz, người ta sẽ nhắc đến tên Tuấn Hiệp. Tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Học viên Âm nhạc Việt Nam, duyên nợ với âm nhạc đã cuốn Tuấn Hiệp vào lối rẽ nghệ thuật mà anh cảm thấy hạnh phúc. Hơn 20 năm đi hát, giọng hát đầy nội lực của anh từng được yêu mến qua những khúc ca hào hùng của dòng nhạc Cách mạng. Thế rồi Tuấn Hiệp chọn một lối đi riêng, khi anh bắt nhịp với những giai điệu trữ tình – những nhạc phẩm bất hủ để rồi say mê và gắn bó mãi. Dù hát nhạc nhẹ hay nhạc xưa thì Tuấn Hiệp vẫn mang được những giá trị cảm xúc và tâm hồn của mình trong từng tác phẩm. Không dành nhiều thời gian cho các MV đình đám mà chăm chỉ tham gia các dự án, những chương trình âm nhạc trong và ngoài nước một cách có chọn lọc, Tuấn Hiệp cũng là được kiều bào yêu mến và xem như người nhà mỗi khi sang biểu diễn.
Ca sĩ Tuấn Hiệp trò chuyện cùng BTV Bảo Trang trong phòng thu của VOV |
Nghe âm thanh chương trình tại đây:
“Khi còn công tác ở Nhà hát Quân đội, tôi đã tìm hiểu về âm nhạc tiền chiến và những tác phẩm sáng tác trước 1975. Những bài hát đó gần gũi như hơi thở của mình vậy. Mình muốn kể những câu chuyện tình, về thân phận của người phụ nữ bằng âm nhạc... Những bài hát đó lôi cuốn Tuấn Hiệp, và tôi muốn tìm những cảm xúc thật sự của mình, muốn được tự do trong âm nhạc. Quãng thời gian 10 năm công tác tại Nhà hát Quân đội và 1 năm ở Nhà hát ca múa nhạc nhẹ Trung ương đối với nhiều người thì chắc chắn họ không đủ dũng cảm để rời bỏ đâu. Khi quyết định rời bỏ, tôi cũng tiếc lắm vì ở đơn vị nào tôi cũng có những đồng nghiệp trân quý mình; bên cạnh đó tôi cũng đam mê, cũng muốn tiếp tục công tác ở Nhà hát nào đó để có cơ hội sử dụng những kiến thức đã học ở Học viện âm nhạc Quốc gia nhiều hơn. Nhưng lựa chọn nào cũng đều có giá. Ra ngoài thì mình như một cánh chim tự do, được tự mình lựa chọn bài hát, được đi nhiều nơi trên thế giới để mang tiếng hát của mình đến với cộng đồng. Khi còn thuộc quân số của mọt nhà hát, thì ở đâu có nhân dân, ở đâu có bộ đội thì ở đó có tiếng hát của Tuấn Hiệp. Khi hát ở nước ngoài, vai trò của mình mang tiếng hát phục vụ bà con cũng không khác gì khi còn ở trong các đoàn nghệ thuật của Nhà nước. Mình cũng hát cho người Việt nghe, chuyển tải tới những người con xa quê hương những lời ca về đất nước. Có những người chưa cập nhật thông tin về Việt Nam, vẫn nghĩ rằng Việt Nam chưa mở cửa..., họ chưa hiểu rằng Việt Nam ngày nay đã có nhiều thay đổi tốt đẹp. Vậy thì qua âm nhạc và qua những câu chuyện của mình, tôi kể với họ rằng quê hương vẫn còn đó những giá trị xưa cũ và bây giờ tất cả những người Việt xa xứ đều có thể về một cách bình thường. Tôi nghĩ những nghệ sĩ đã từng có thời gian làm việc ở một Nhà hát chính quy thì sẽ được trang bị bản lĩnh riêng. Khi tôi hát những bài ca gợi nhớ quê hương, tôi thấy được rằng người Việt Nam ở đâu cũng đều dành tình cảm cho quê hương thật là nhiều”.
Ca sĩ Tuấn Hiệp |
“Năm 2009, lần đầu tiên tôi đi hát ở nước ngoài. Tôi vẫn nhớ cảm giác hồi hộp khi đó, nhưng dù sao cũng là một sự thử thách đối với bản lĩnh của mình. Bà con cũng hiểu rằng những người thuộc thế hệ sinh ra sau 1975 như Tuấn Hiệp có biết gì nhiều về chiến tranh đâu, nên cũng không hề có sự hận thù gì cả. Tuấn Hiệp mang tiếng hát đến với bà con, và lắng nghe những người thuộc thế hệ cha chú mình kể chuyện. Có những lần khi Tuấn Hiệp hát xong, các cô chú đã khóc. Tôi cảm nhận được tình yêu quê hương của những người Việt, dù có ở đâu đi chăng nữa. Tôi may mắn được đi rất nhiều quốc gia, gặp gỡ những người Việt xa xứ, vì thế tôi hiểu được chân giá trị của người Việt mình, hiểu được tình cảm sâu thẳm trong lòng những người con xa quê luôn đau đáu nhớ thương, luôn mong được trở về quê mẹ dù chỉ 1 lần”.
"Hiện nay những nghệ sĩ trong nước đi biểu diễn ở nước ngoài rất nhiều, đồng thời các ca sĩ hải ngoại cũng thường xuyên về Việt Nam diễn. Mỗi lần đến với bà con, cảm nhận tình cảm trân trọng mà họ dành cho mình – đó là điều may mắn và hạnh phúc rất lớn đối với tôi. Tôi đã đi từ sự hồi hộp này đến sự hồi hộp khác, đi từ sự trông ngóng này đến sự trông ngóng khác. Và giờ đây, tất cả đã cởi mở thực sự. Có thể nói, âm nhạc đã xoa dịu những nỗi đau...".
Bảo Trang