(VOV5) - Với mỗi một dân tộc, ngày Tết cổ truyền có ý nghĩa thật đặc biệt, bởi nó ẩn chứa những nét đẹp văn hóa, truyền thống của dân tộc, mà trong đó, âm nhạc là một phần không thể thiếu. Ngày Xuân, xin được tản mạn đôi điều về: Cảm xúc mùa xuân trong âm nhạc.
|
Ảnh minh họa (Nguồn: internet) |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Âm nhạc là một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội nói chung và vòng đời của một con người nói riêng. Con người sinh ra thì nghệ thuật nào đến với họ đầu tiên? Đó là âm nhạc. Nghệ thuật âm nhạc qua những khúc hát ru, tiếng nựng nịu của bà, của mẹ, của chị đã nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ từ khi cất tiếng khóc chào đời. Rồi âm nhạc theo ta suốt bước đường trưởng thành của một đời người cho đến khi về miền cực lạc với thanh âm của ban nhạc hiếu. Chính vì thế, trong dân gian đã lưu truyền câu ca: “Sống dầu đèn, chết kèn trống”. Nói như vậy để thấy âm nhạc thực sự quan trong trong đời sống con người. Vui cũng có âm nhạc mà buồn cũng có âm nhạc. Âm nhạc có tác dụng xoa dịu, hàn gắn mọi vết thương lòng; âm nhạc cũng tạo nguồn cảm xúc, kích thích sức sáng tạo của mỗi người và sự hồi sinh của đất nước.Nhạc sĩ Cát Vận cho rằng: “Đề tài mùa Xuân chiếm một tỷ lệ đáng kể. Đối với mỗi người dân Việt Nam thì mùa Xuân ấn tượng nhất bởi đó là Tết âm lịch, mùa nông nhàn, bắt đầu mùa lễ hội. tất cả cảm xúc màu xuân qua âm nhạc chúng ta có trên 80 năm thì những bài hát về mùa xuân rất nhiều. Điều đó thấy rằng các nhạc sĩ lấy cảm xúc từ mùa xuân và đến bây giờ những bài ca đi cùng năm tháng thì có rất nhiều bài về mùa xuân hay. Mùa Xuân Đinh Dậu có nhiều ý nghĩa đối với đất nước và nó sẽ tạo cảm hứng sáng tạo”.
Chung mạch cảm với nhạc sĩ Cát Vận, Tiến sĩ, nhạc sĩ Phạm Việt Long cho rằng: ““Mùa Xuân luôn tạo cảm hứng sáng tạo và những bài hát của các nhạc sĩ làm cho mùa xuân và cuộc đời thêm tươi. Mặc dù trong thời chiến, còn có nhưng mất mát đâu thương nhưng mùa xuân vẫn lấp lánh niềm vui, bởi mùa xuân đưa đến những bước đi mới cho cả dân tộc. Trong chiến tranh còn thấy sự lạc quan thì trong thời bình, trong công cuộc xây dựng và trong tình yêu càng thấy mùa xuân tràn đầy niềm vui. Ngay cả Tân nhạc đầu tiên thì những bài hát về mùa xuân có giai điệu lãng mạn rất đep, rồi mùa xuân kháng chiến,người ta hướng về tiền tuyến, mang một tình cảm sâu nặng hơn, nhưng ngay cả chiến tranh thì những giai điệu mùa xuân vẫn mang tính lạc quan. Và đến mùa xuân của hòa bình với nhiều nỗi niềm và đặc biệt là tuổi trẻ. Họ tự do trong cảm xúc và vì thế âm nhạc rất phong phú”.
Trong bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, thì mùa Xuân khởi nguồn của sự sống, là kết tinh của những gì tinh túy, đẹp đẽ nhất được khai mở trong một năm mới. Và đó cũng là mạch nguồn khơi gợi cảm xúc sáng tạo của các văn nghệ sĩ, trong đó có các nhạc sĩ sáng tác. Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo chia sẻ: ““Mùa Xuân đến thì ai cũng thấy tâm hồn rạo rực. Bao giờ Mùa Xuân cũng mang đến cho con người một niềm hy vọng, một sự vui vẻ, ấm áp và chính vì thế, ca khúc về mùa xuân rất nhiều và nhiều bài hay. Ca khúc về mùa xuân của nước ta thì từ khi có nên tân nhạc thì rất nhiều bài mùa xuân hay như: Xuân tuổi trẻ, Mùa xuân ước mơ, Mưa mùa xuân, Mùa xuân bên lăng Bác. Bao giờ mùa Xuân cũng chia sẻ niềm vui tới mọi người từ người nông dân, anh công nhân, bộ đội đến người già người ta vẫn luôn hy vọng khi mùa xuân đến. Tất cả điểu đó là cho âm nhạc của chúng ta rất phong phú khi viết về mùa xuân”.
Trong suốt chiều dài lịch sử, âm nhạc có một vai trò hết sức quan trọng, bởi mỗi một tác phẩm âm nhạc ra đời, ngoài cảm xúc của tác giả với hiện thực cuộc sống thì có những tác phẩm đã gắn liền với những dấu mốc lịch sử quan trọng của đất nước, như những thước phim, những tượng đài âm thanh đồng hành cùng dân tộc. Lý giải về sức sống của ca khúc về đề tài mùa xuân đất nước trong dòng chảy của nền âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha nói: “Âm nhạc về mùa Xuân cũng giống như mùa Xuân của thiên nhiên, luôn mới mẻ. Kể từ những bài hát xa xưa như Xuân tuổi trẻ, Em ơi mùa Xuân đến rồi đó, Mùa Xuân đầu tiên, Đảng cho ta một mùa Xuân, cánh én mùa Xuân thì bức tranh mùa xuân trong âm nhạc lộng lẫy và luôn làm cho người ta có cảm giác rất mạnh về khát vọng sống. Dường như viết về mùa Xuân một lẽ tự nhiên như một đơn đặt hàng của đời sống. Và vì thế người ta viết thả lòng mình, mơ mộng. Ngay cả trong chiến tranh người ta vẫn thấy mùa Xuân phơi phới. Âm nhạc về mùa Xuân là một bức tranh hoành tráng của âm nhạc Việt Nam.Tôi tin tưởng và hy vọng lớp trẻ sẽ có những bài hát về mùa Xuân hay”.
Đất nước sang Xuân, mang đến những niềm vui và kỳ vọng vào những thành công mới cho mỗi người con đất Việt, dù ở trong nước hay ở nước ngoài. Trên mỗi cương vị công tác của mình, mỗi người đều mong mỏi nhất định trong sự nghiệp của bản thân, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước. Nhạc sĩ Phó Đức Phương cho rằng: “Mùa Xuân đem lại cho người ta một sự náo nức, một sinh lực mới, sinh thế mới cho nên mùa Xuân luôn là đề tài cho thơ văn và âm nhạc. Tôi mong một mùa xuân mới, các nhạc sĩ nói riêng và các văn nghệ sĩ nói chung có nhiều cảm hứng để cho ra đời những tác phẩm mới về mùa xuân. Bản thân mỗi người cũng thu nạp thêm những năm lượng mới của thiên nhiên của mùa xuân để cho chúng ta có những sáng tạo mới. Giới văn nghệ có nhiều sáng tạp mới, đất nước có nhiều thành công mới thì đấy là mong mỏi và luôn luôn người ta nghĩ đến khi mùa xuân về”.
Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha tin tưởng và kỳ vọng vào một mùa xuân dân tộc, đặc biệt là trong lĩnh vực âm nhạc đang có những khởi sắc đáng tự hào bởi sự phát triển không chỉ của âm nhạc trong nước mà còn cả những giao lưu văn hóa quốc tế, trong đó có âm nhạc: Tôi kỳ vọng vào âm nhạc Việt Nam, vì thông qua Hội nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức được những liên hoan âm nhạc lớn thì sự thay đổi tư duy của người sáng tạo cũng chuyển biến theo và điều đó đưa âm nhạc Việt Nam gần hơn với âm nhạc thế giới, có thể hòa mình vào dòng chảy của âm nhạc thế giới. Đấy là khát vọng và là mong đợi của tôi trong năm mới này”.
Mùa Xuân tràn về khắp muôn nơi, Mùa xuân mang đến cho các nhạc sĩ, nghệ sĩ những xúc cảm trào dâng một mạch nguồn nhựa sống. Những rung động ấy là động lực khơi gợi sức sáng tạo để các nhạc sĩ dâng tặng cho đời những tác phẩm tươi mới về mùa xuân đất nước, về tình yêu giữa con người với con người và là tiếng nói kết nối thế giới, cùng nhau hướng tới sự phát triển phồn thịnh.