(VOV5) - Khi hát lên những vần thơ của Hàn Mặc Tử, tôi cảm giác như mình đang nói ngôn từ của mình, những nhịp đi lên đi xuống rất ngũ cung...
Ngày 22/9/2022, kỉ niệm 110 năm ngày sinh nhà thơ Hàn Mặc Tử. Trong làng Thơ mới, Hàn Mặc Tử là thi sĩ có diện mạo thơ vô cùng phong phú, sáng tạo và đầy bí ẩn. Bên cạnh những vần thơ điên, thơ say, thơ siêu thực là một giọng thơ trữ tình, đằm thắm, thể hiện tình yêu cuộc sống tha thiết, khao khát tình người đến cháy bỏng… Và rất nhiều năm sau, những vần thơ ấy lại được chắp cánh để đến gần hơn với công chúng đương thời qua sự phối hợp của nhạc sĩ danh tiếng người Thụy Sỹ Walther Giger và người phụ nữ gốc Huế - ca sĩ Camille Huyền.
Album Say trăng gồm 15 bài hát phổ thơ Hàn Mặc Tử |
BTV Bảo Trang trò chuyện cùng vợ chồng ca sĩ Camille Huyền – ông Trương Đình Ngộ về những tác phẩm phổ thơ Hàn Mặc Tử, đã được biểu diễn cả ở Việt Nam và Thụy Sỹ.
Nghe âm thanh chương trình tại đây:
BTV Bảo Trang: Say trăng là tựa đề của album gồm 15 ca khúc phổ thơ Hàn Mặc Tử đã được nghệ sĩ Camille Huyền và nhạc sĩ Walther Giger thực hiện.
Bảo Trang xin được hỏi về sự ra đời của album Say trăng. Được biết, lần đầu tiên âm nhạc này được biểu diễn là trong Festival Huế 2010?
Ông Trương Đình Ngộ: Chúng tôi có 2 năm để chuẩn bị. Các thầy phải tìm hiểu thật kỹ về thơ Hàn Mặc Tử. Chúng tôi dịch thơ Hàn Mặc Tử ra tiếng Anh, tiếng Đức, và quan trọng nhất là diễn tả được nội dung thơ Hàn Mặc Tử ra âm nhạc – những nỗi đau khổ, những hạnh phúc của Hàn Mặc Tử đưa vào trong âm nhạc. Đây cũng là lần đầu tiên một tác phẩm nghệ thuật được sáng tác bởi một người phương Tây là thầy Walther Giger và một cô gái Huế là Camille Huyền. Tác phẩm gồm 15 bài thơ phổ nhạc, được ghi lại trong âm giai ngũ cung, sử dụng tiếng đàn ghita thay cho đàn bầu, đàn nguyệt… Hai mươi năm làm việc với ngũ cung Á Châu, thầy Walther Giger đã hiểu rất rõ. Đồng thời hai thầy trò đã mua sách của Giáo sư Trần Văn Khê nghiền ngẫm về ngũ cung để làm ra album này, rất thú vị.
Các phóng viên và vợ chồng nghệ sĩ Camille Huyền - ông Trương Đình Ngộ trong khu nhà vườn ở Huế |
BTV Bảo Trang: Cầm album Say trăng trên tay, tôi thấy được cả sự kỳ công của những người làm ra nó. Nó như một cuốn sách nhỏ về thơ Hàn Mặc Tử vậy!
Ông Trương Đình Ngộ: Tuyển tập này tôi đã ghi lại từng bài, những thảo luận trong quá trình sáng tác của hai thầy trò, trong những đêm không ngủ. Ví dụ như cái nốt này phải như thế nào, tại sao lại Trời hỡi bao giờ tôi chết đi/ Bao giờ tôi hết được yêu vì / Bao giờ mặt nhật tan thành máu / Và khối lòng tôi cứng tợ si? Vậy tiếng khóc của người nghệ sĩ cần được diễn tả trong âm nhạc như thế nào… Tôi xin nhường lời cho Camille Huyền nói về quá trình đó.
Nghệ sĩ Camille Huyền trên sân khấu |
Nghệ sĩ Camille Huyền: Tôi muốn giải thích một chút tại sao không chọn thơ của một thi sĩ nào khác mà lại là thơ của Hàn Mặc Tử? Thơ của Hàn Mặc Tử là tiếng Huế, bản thân thơ đã có giai điệu của Huế và ngôn ngữ rất Huế - nó rất gần gũi với tôi. Khi hát lên những vần thơ của Hàn Mặc Tử, tôi cảm giác như mình đang nói ngôn từ của mình, những nhịp đi lên đi xuống rất ngũ cung. Khi làm việc chung với thầy, tôi đã phải dịch cho thầy hiểu từng chữ một, từng tư tưởng theo cách hiểu của tôi, và những điều không hiểu tôi cũng đi hỏi những người quanh mình. Thơ Hàn Mặc Tử được giảng dạy tại trường, hầu như người Việt nào cũng thuộc không nhiều thì ít. Khi hoàn thành, chúng tôi đã biểu diễn tại Festival Huế 2010 và rất thành công. Sau đó chúng tôi cũng diễn tại Hà Nội, Hội An, Thành phố Hồ Chí Minh… Đến 2012 tôi lại được mời về Festival Huế biểu diễn một lần nữa.
BTV Bảo Trang: Thưa nghệ sĩ Camille Huyền, khi phổ nhạc những bài thơ Hàn Mặc Tử, chị và nhạc sĩ Walther Giger có làm theo một quy ước nào không?
Nghệ sĩ Camille Huyền: Trong quá trình biểu diễn, tôi thấy dòng nhạc này lẫn lộn rất nhiều nhạc cổ điển, cổ truyền, và dân ca Việt Nam. Có chỗ này một chút chầu văn, chỗ kia ngâm thơ, chỗ kia nữa là ca trù, hay ru con miền Bắc… Những sự đa đạng dó đến với tôi rất tự nhiên, vì tôi cũng hiểu biết ít nhiều về những dòng nhạc đó. Khi sáng tác cái gì đó là mình nói lên sự cảm nhận của bản thân, xướng lên một vần thơ với những cảm xúc, những yêu thương của mình như tâm sự của chính bản thân mình vậy. Thầy Walther Giger hiểu tôi rất rõ, và thầy đã làm phần hòa âm như một cuộc đối thoại trên sân khấu. Khi trò hát một câu thì thầy phụ họa, rồi khi thầy đánh đàn thì trò đứng lắng nghe. Nó như có một sự chuyện trò trên sân khấu giữa một nghệ sĩ đánh đàn và người thể hiện ca khúc. Thậm chí khi tôi không hát thì hòa âm của thầy cũng khiến người nghe cảm được rằng bài đó buồn hay vui, hay nói về điều gì đó. Cách hòa âm phối khí của thầy đạt tới trình độ rất thú vị, làm cho tôi cảm thấy như đang trò chuyện với thầy chứ không phải là đang hát.
Nghệ sĩ Cammile Huyền và nhạc sĩ Walther Giger |
BTV Bảo Trang: Sau những lần biểu diễn ở Việt Nam, thì các bài hát phổ thơ Hàn Mặc Tử cũng đã được chị mang ra nước ngoài phải không, thưa chị?
Nghệ sĩ Camille Huyền: Có nhiều lần cũng biểu diễn bên Thụy Sỹ, họ cũng thích âm nhạc của chúng tôi. Tôi sống ở Châu Âu khá lâu, nên tôi hiểu người Châu Âu nghĩ gì. Họ thấy rất quen vì âm nhạc này giống với nhạc hàn lâm của họ, đồng thời cũng thấy rất lạ vì đau cũng thấy không gian Việt Nam. Có lẽ nguyên nhân là mình làm với chính sự yêu thương của mình. Camille hiểu dù sao mình cũng ảnh hưởng hai nền văn hóa, mặc dù phần Việt Nam, hay là phần Huế của mình mạnh hơn nhưng phần kia mình cũng được thấm đẫm một cách rất tự nhiên. Hơn thế nữa, thầy Walther Giger là người rất giỏi, đồng thời cũng thấm đẫm văn hóa Châu Á bên cạnh những hiểu biết rất lớn về âm nhạc phương Tây. Có lẽ hai yếu tố này rất đậm màu trong ca khúc phổ thơ Hàn Mặc Tử, một sự hòa trộn, do sự yêu thương và do con người mình đã hình thành nên như vậy!
BTV Bảo Trang: Vâng, xin cảm ơn những chia sẻ của nghệ sĩ Camille Huyền và ông Trương Đình Ngộ về album Say trăng phổ thơ Hàn Mặc Tử.