(VOV5) - Khúc tráng ca tháng Bảy hào hùng, đầy tự hào, kiêu hãnh hằng năm vẫn đều đặn được cất lên đã lay động đến tận cùng cảm xúc của thế hệ hôm nay.
Trong những ngày tháng 7 này, người dân Việt Nam dù ở trong nước hay nước ngoài đều hướng lòng mình tri ân các anh hùng liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh đã hi sinh xương máu để bảo vệ vùng đất, vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Nghe âm thanh chương trình tại đây:
.. "Nói về sự hi sinh của những người ở lại, ca khúc "Nỗi nhớ xa quê" của tác giả Trần Văn Hồng tuy ra đời ở một giai đoạn khác, nhưng cũng đong đầy những khát khao bình yên, những khát vọng tự do, trước những mất mát to lớn từ những cuộc chiến… Nghệ sĩ Trần Văn Hồng chia sẻ: "Ca khúc Nỗi nhớ xa quê là một câu chuyện có thật. Tôi được nghe mẹ vợ tôi kể rằng khi ba ra chiến trường thì mẹ đã có thai, và chị gái tôi chỉ biết ba qua lời ru của mẹ. Ông đã hi sinh trong chiến dịch năm 1975 tại Long Khánh, Đồng Nai. Tôi nghe và không cầm được nước mắt. Chiến tranh đã đi qua nhưng nỗi đau còn ở lại. Mẹ tôi, chị tôi, cũng giống như biết bao triệu triệu người vợ, người mẹ khác có chồng, có con ra đi chiến đấu để bảo vệ quê hương và mãi mãi không bao giờ trở về. Tôi làm ca khúc này vừa tròn 4 tháng. Khi xong tác phẩm, tôi chạy về khoe mẹ, và hát qua 1 lượt cho mẹ nghe. Mẹ và tôi đã khóc. Đặc biệt, chị gái tôi trong tác phẩm, nay đang sinh sống tại CH Séc. Chị đã khóc rất nhiều khi nghe bài hát này. Tác phẩm Nỗi nhớ xa quê cũng là một lời tri ân các anh hùng liệt sĩ, mong mọi người đón nhận và lắng nghe".
Lời ca nhẹ nhàng, tha thiết, nhạc sĩ Lê An Tuyên – người đang sinh sống tại CHLB Đức cũng đã sáng tác một ca khúc xúc động. Nhạc sĩ chia sẻ, năm 2018 khi có dịp đến thăm di tích Truông Bồn thuộc xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, bà đã không kìm nén được xúc động khi nghe người hướng dẫn giới thiệu về Truông Bồn. Cảm kích trước tinh thần chiến đấu quả cảm của những người đã ngã xuống ở mảnh đất này, những nốt nhạc lời ca cứ ngân lên trong bà như một sự tiếc thương, tưởng nhớ, một nén lòng tri ân tới các liệt sĩ. Ca khúc "Vầng trăng sáng Truông Bồn" sau đó đã được ca sĩ Đinh Hiền Anh ngỏ ý thu âm, làm MV và đưa vào dự án âm nhạc đặc biệt "Mẹ Việt Nam" của cô. Đinh Hiền Anh tâm sự: "Tôi có nhiều trăn trở với mảnh đất Truông Bồn, bởi nơi tôi sinh ra là Nghệ An – trong đó có địa danh Truông Bồn. Tôi đã được độc quyền ca khúc Vầng trăng sáng Truông Bồn, một ca khúc về đề tài chiến tranh nhưng không quá bi tráng mà lại là một mảng màu trong sáng, tươi đẹp, ca ngợi tình yêu đôi lứa, những khát khao cuộc sống của các anh hùng liệt nữ, nhưng người đã ngã xuống khi còn rất trẻ. Với ca khúc này, tôi hát nhẹ nhàng, tình cảm, mộc mạc đúng như tính chất của bài hát và những hình ảnh trong MV gửi đến người xem".
Khúc tráng ca tháng Bảy hào hùng, đầy tự hào, kiêu hãnh hằng năm vẫn đều đặn được cất lên đã lay động đến tận cùng cảm xúc của thế hệ hôm nay. Những bài ca ấy như góp vào tháng 7 linh thiêng tiếng đồng vọng của những ngày đã qua. Với ca khúc "Hoa bằng lăng trên phố", nhạc sĩ Bùi Anh Tôn cũng muốn góp thêm một nét trữ tình lãng mạn, đồng thời bày tỏ lòng cảm kích, tri ân những anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì sự bình yên của Tổ quốc. Nhạc sĩ chia sẻ: "Tôi viết bài Hoa bằng lăng trên phố vào năm 1998. Tình cờ đọc trên báo Tuổi trẻ chủ nhật có một bài viết ngắn của tác giả Đức Nguyễn, viết về những bông hoa bằng lăng trên phố, gợi nhớ kỉ niệm của những người lĩnh trẻ đã hi sinh cho độc lập tự do của Tổ quốc. Những người lính trẻ ấy đã ép những bông hoa bằng lăng trong cuốn sổ, trong những trang thư gửi về cho người yêu nơi quê nhà. Những người lính đã hi sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, tuổi xuân của họ đã cống hiến cho độc lập tự do của dân tộc, và cho cuộc sống bình yên của những đôi lứa ngày hôm nay đi trên phố, nhìn những bông hoa bằng lăng, nhớ về sự hi sinh của những người lính nơi biên giới - nơi những bông hoa bằng lăng vẫn tươi, vẫn tím lên vẻ đẹp gắn với sự hi sinh của những người lính trẻ cho cuộc sống bình yên của mọi người".